Nhiều giải pháp khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên
Giáo dục - Ngày đăng : 14:12, 17/02/2023
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc giải quyết tình trạng thừa giáo viên các cấp học phổ thông, đến nay, cơ bản các địa phương đã giải quyết được tình trạng thừa giáo viên theo định mức biên chế ở các cấp học.
Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Chính trị đã ban hành quyết định bổ sung 65.980 biên chế giáo viên giai đoạn 2022 - 2026; trong đó, năm học 2022 - 2023, tạm giao 27.850 biên chế giáo viên cho các địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương tuyển dụng số biên chế được giao và ưu tiên tuyển dụng giáo viên các môn học mới để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó ưu tiên tuyển dụng giáo viên mầm non cho các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Đối với các môn học mới, ngay từ khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương quan tâm chuẩn bị điều kiện về đội ngũ, trong đó có chuẩn bị giáo viên ngoại ngữ, tin học cấp tiểu học và các môn học, hoạt động giáo dục mới ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Đồng thời, Bộ cũng đã tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo sự thu hút đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên và để các địa phương đặt hàng đào tạo, bảo đảm đủ nguồn tuyển dụng theo nhu cầu thực tế của từng địa phương.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên như bỏ việc, giảm biên chế, do nhiều năm không tuyển, tuyển nhỏ hơn số cần, do thừa - thiếu cục bộ, do tăng dân số...