Đỗ Thúy Nga và cái duyên huấn luyện

Thể thao - Ngày đăng : 08:58, 25/02/2007

Hiếm ai trụ được ở vai trò HLV Đội tuyển Bóng bàn quốc gia 11 năm. Nhưng Đỗ Thúy Nga lại làm được điều ấy. Nhưng nói gì thì nói, viết gì thì viết, cuối cùng nhắc đến sự nghiệp HLV của Đỗ Thúy Nga người ta không thể quên được cái tên Ngô Thu Thủy- một trong những tay vợt nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng bàn Việt Nam.

Hiếm ai trụ được ở vai trò HLV Đội tuyển Bóng bàn quốc gia 11 năm. Nhưng Đỗ Thúy Nga lại làm được điều ấy. Nhưng nói gì thì nói, viết gì thì viết, cuối cùng nhắc đến sự nghiệp HLV của Đỗ Thúy Nga người ta không thể quên được cái tên Ngô Thu Thủy- một trong những tay vợt nổi tiếng nhất trong lịch sử bóng bàn Việt Nam. Họ đến với nhau như một cái duyên trời định…

Duyên kỳ ngộ

Đỗ Thúy Nga so sánh: ”Làm HLV và VĐV khác nhau một trời một vực. Lúc làm VĐV mình thực hiện ý tưởng cũng như khả năng của mình. Đến khi làm HLV lại phải làm người khác thực hiện đúng ý tưởng của mình, khó gấp bội lần. Cũng may, đời huấn luyện của mình lại có được Ngô Thu Thủy”.

Từ lúc nhìn thấy Ngô Thu Thủy tập ở lớp năng khiếu CLB Đường sắt, Đỗ Thúy Nga đã muốn đưa Thủy về tập luyện ở CLB bóng bàn Hà Nội. Nhưng với một tài năng như Ngô Thu Thủy, không dễ gì CLB Đường sắt để Thủy ra đi. Biết chuyện này Đỗ Thúy Nga thực sự thất vọng. Phải một thời gian sau, khi phong trào bóng bàn ở CLB Đường sắt không còn mạnh mẽ, CLB Hà Nội mới thực hiện được ý định đưa Ngô Thu Thủy về. Khỏi phải nói Đỗ Thúy Nga đã mừng rỡ như thế nào. Bao nhiêu tâm huyết chị dồn hết cho Thủy. Được cái, Thủy có tài, thông minh, biết thực hiện chỉ đạo của HLV cũng như vận dụng sự chỉ đạo ấy nên sự nghiệp thăng tiến vùn vụt. Trong bước đường đó luôn có bóng dáng của Đỗ Thúy Nga. Người Trung Quốc vẫn nói: “Hạt giống đỏ phải được gieo trên mảnh đất đỏ”. Cặp Đỗ Thúy Nga - Ngô Thu Thủy là như vậy. Nhiều người vẫn đặt ngược vấn đề rằng nếu Ngô Thu Thủy vào tay HLV khác còn nếu Đỗ Thúy Nga không có cái duyên huấn luyện Ngô Thu Thủy thì chưa chắc nổi tiếng đến vậy. Thế mới gọi là duyên kỳ ngộ. Cái duyên ấy đã tạo ra một trong những cặp HLV- VĐV bóng bàn nổi tiếng, đạt nhiều thành tích nhất Việt Nam. Cả hai thầy trò đã đạt bao nhiêu danh hiệu vô địch quốc gia đến nay Đỗ Thúy Nga cũng không nhớ hết. Khi cô trò lên đội tuyển quốc gia danh hiệu quốc tế dù mới dừng ở mức vô địch đôi nam nữ SEA Games 1997 và HCB đơn nữ năm 1993 nhưng đấy cũng là thành tích đáng tự hào. Riêng chiếc HCB đơn nữ năm 1993 của Ngô Thu Thủy còn được lãnh đạo Đoàn Thể thao Việt Nam năm ấy nhắc đi nhắc lại với một niềm tự hào. 11 năm ở đội tuyển quốc gia là 11 năm cái tên Đỗ Thúy Nga - Ngô Thu Thủy song hành với nhau. Trong 11 năm ấy, Thúy Nga đành để con cho người chị chăm sóc để lo việc công. Chị thường kể rằng, cô con gái cũng rất có năng khiếu bóng bàn, chỉ vì mẹ không có thời gian chăm sóc nên không đi theo nghiệp của mẹ. Sau mỗi lần nhắc đến chuyện này, giọng chị trầm xuống: “Cái giá của mỗi thành công nhiều khi không thể đo đếm được. Ai biết được lúc mình lo cho VĐV thì mình cũng đau đáu không biết con mình ở nhà ăn ngủ ra sao”.

“Mình làm không cần biết để ai hưởng”

Số năm cống hiến cho Đội tuyển quốc gia của Đỗ Thúy Nga có thể dài hơn nếu chị không được cử giữ vai trò Chủ nhiệm CLB bóng bàn Hà Nội từ cuối năm 2003. Từ đó đến nay không thể coi là giai đoạn suôn sẻ với HLV lừng danh một thời này bởi đó là thời điểm Ngô Thu Thủy chia tay sự nghiệp VĐV, bóng bàn nữ Hà Nội không còn đầu tàu, phía nam mới có một Trần Tuấn Quỳnh. Căn bệnh khủng hoảng lực lượng kế thừa của bóng bàn Hà Nội đã lộ rõ. Từ cuối 2003 đến khi Đỗ Thúy Nga nghỉ hưu cũng chỉ còn 4 năm, chính xác là 3 năm rưỡi nữa. Với một người thích ăn sẵn, không có cái tâm với nghề, có lẽ chỉ cần cống hiến vừa phải và chực chờ thành tích của các tay vợt nam như Tuấn Quỳnh hay Nguyễn Nam Hải là đủ. Nhưng Đỗ Thúy Nga không nghĩ vậy: “Đời tôi từ trước đến nay chỉ có bóng bàn nên không có chuyện tôi buông xuôi. Nói thực, chưa bao giờ Hà Nội hết nhân tài bóng bàn. Có điều bây giờ các cháu tập trung vào học văn hóa nhiều hơn trước nên khó tìm thôi. Nhưng khó không có nghĩa là không thể tìm được, miễn các thầy phải có cái tâm với nghề. Hà Nội hiện đã sở hữu một lứa nữ trẻ có tài đang tập huấn ở Trung Quốc và vài năm nữa, tình hình sẽ thay đổi”. Vài năm nữa, lúc ấy chị đã về hưu. Có người biết chuyện đã hỏi chị rằng: “Làm hùng hục như thế lại để người khác hưởng thành quả mà không nghĩ gì à?”. Vẫn cái tính thẳng thắn, Thúy Nga nói ngay: “Việc tôi phải làm thì tôi cứ làm mà không cần biết ai hưởng. Ai hưởng cũng được bởi họ đều là đồng nghiệp, đều muốn đưa bóng bàn Hà Nội trụ vững đỉnh cao, lấy lại vị thế hàng đầu như mấy chục năm trước”.

Thùy An

ANHTHU