Đôi điều về một bản dịch Hoàng Lê Nhất Thống Chí
Xã hội - Ngày đăng : 08:52, 25/02/2007
Hoàng Lê nhất thống chí (HLNTC) là tác phẩm văn xuôi chữ Hán trong tùng thư của “Ngô gia văn phái”, thuộc dòng họ Ngô Thì ở làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.
Đây là một cuốn tiểu thuyết lịch sử viết theo lối chương hồi do một số tác giả kế tục nhau viết. Toàn bộ tác phẩm gồm 17 hồi. Bảy hồi đầu là phần chính biên do Ngô Thì Chí viết, mười hồi tiếp theo là phần tục biên.
Tiểu thuyết lịch sử thường viết sau khi sự kiện xảy ra hàng trăm năm nhưng HLNTC viết sự việc xảy ra lúc đương thời. Thời gian miêu tả trong tác phẩm là khoảng 30 năm cuối thế kỷ XVIII, kể từ khi Trịnh Sâm lên ngôi chúa (1767) cho đến Nguyễn ánh lên ngôi vua (1802).
Cùng với việc miêu tả những biến động năm cuối của triều Lê, HLNTC còn phản ánh khá đầy đủ về phong trào Tây Sơn, đặc biệt về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược do vua Quang Trung lãnh đạo. Trên nhiều trang viết, hình tượng người anh hùng áo vải được tác giả khắchọa thật rõ nét. Trong lịch sử, dân tộc ta đã đánh thắng nhiều quân xâm lược, song chưa có một tác phẩm văn học nào viết về đề tài này được toàn diện và cụ thể như HLNTC.
Do có giá trị về văn học và sử học, từ đầu thế kỷ XX đến nay, sách đã được dịch sang Quốc ngữ và được xuất bản nhiều lần. Năm 1912 có bản dịch của Cát Thành; năm 1942 có bản dịch của Ngô Tất Tố, tái bản năm 1958; năm 1950 có bản dịch của Nguyễn Đăng Tấn và Nguyễn Công Liên; năm 1964 có bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch. Hơn 40 năm qua, bản dịch HLNTC của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch đã được NXB Văn học in lần thứ tư, có lần in tới 32.000 bản. Sách đã trở nên gần gũi với nhiều thế hệ bạn đọc ở đủ các lứa tuổi. Gần đây, tình cờ gặp GS. Kiều Thu Hoạch, tôi hỏi chuyện ông về bản dịch này, ông cho biết: Cuối năm 1963, một nhà Việt Nam học Xô-viết đến Viện Văn học nhờ GS. Viện trưởng Đặng Thai Mai dịch HLNTC. Theo ông, các bản dịch trước đều chưa sát với nguyên tác, nay để có tài liệu nghiên cứu, ông cần một bản dịch mới, và sau đó sẽ được dịch sang tiếng Nga và in ở NXB Văn nghệ quốc gia Liên Xô. Theo yêu cầu của bạn, GS. Viện trưởng cử Kiều Thu Hoạch và Nguyễn Đức Vân dịch HLNTC, hạn trong một hai tháng phải xong. Kiều Thu Hoạch dịch nửa phần đầu và viết lời giới thiệu; Nguyễn Đức Vân dịch nửa phần sau. Trước khi vào việc, hai ông đọc tham khảo và thấy các bản dịch trước đó đều không trung thành với nguyên tác, nhất là bản của Ngô Tất Tố. Bản dịch này có lời văn lưu loát, được nhiều người thưởng thức nhưng đây chỉ là bản dịch thoát, có những đoạn những câu chỉ lược dịch hoặc bỏ hẳn không dịch. Ngoài việc thêm bớt, sửa chữa văn từ, dịch giả còn sửa chữa cả bố cục của tác phẩm, từ 17 hồi dịch giả đã phân chia lại thành 21 chương, làm cho bản dịch có dáng dấp một bản phóng tác.
HLNTC không còn bản gốc và tác phẩm cũng chưa được khắc ván in nên trong lần dịch này Kiều Thu Hoạch và Nguyễn Đức Vân đã đối chiếu với nhiều bản chép tay hiện còn để tìm ra những chỗ nghi vấn, và cũng cố gắng đối chiếu lại theo nguyên tắc văn bản học nghiêm túc, đồng thời cũng tham khảo bản dịch của Ngô Tất Tố và lấy lại những đoạn, những câu dịch trung thành và tốt. Có điều là khi tập sách gần dịch xong thì nhà Việt Nam học Xô-viết có việc đột xuất phải về nước. Sau đó, có người của Viện Văn học sang làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, bản dịch được chuẩn bị gửi sang nhưng vì là sách chưa xuất bản nên cơ quan có thẩm quyền không cấp phép. Bản thảo được chuyển cho ông Nguyễn Đức Phiên, Tổ trưởng xuất bản của Viện (tiền thân của NXB Văn học bây giờ) ông đọc thấy hay, liền cho biên tập và in ngay. Bản dịch mới HLNTC in lần đầu năm 1964, tái bản năm 1970, 1984 và 2005.
Trần Văn Mỹ