Nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)
Đời sống - Ngày đăng : 10:58, 17/02/2023
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nêu rõ: Luật Đất đai được Quốc hội khóa XIII ban hành năm 2013 và có hiệu lực thi hành ngày 1-7-2014 đã đánh dấu một mốc rất quan trọng trong việc quy định về chế độ sở hữu đất đai của toàn dân và chế độ quản lý, nghĩa vụ, quyền lợi, lợi ích của người dân.
Sau hơn 9 năm tổ chức triển khai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai đã được xây dựng mới bổ sung cho phù hợp thời kỳ mới của đất nước và bối cảnh quốc tế nên Luật Đất đai đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần nhanh chóng được sửa đổi, bổ sung.
Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hà Nội đánh giá, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 16 chương, 236 điều, được Ban soạn thảo xây dựng rất công phu, đã thể chế hóa 10 nhóm chính sách lớn theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam (118 luật có liên quan). Dự thảo Luật có cấu trúc hợp lý, bố cục chặt chẽ; nội dung quy định cụ thể, chi tiết, sát thực tế, có tính khả thi; văn phong trong sáng, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Luật được ban hành sẽ giải quyết cơ bản những bất cập vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất đai; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người sử dụng đất. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Tuyến cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn là luật khung, luật "ống", bởi còn giao cho Chính phủ và chính quyền địa phương quy định chi tiết rất nhiều điều luật và những nội dung cụ thể (Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết hơn 50 điều/236 điều). Ông đề nghị Ban soạn thảo rà soát, cụ thể hóa những điều luật có thể quy định ngay trong luật để bảo đảm tính hiệu lực của Luật.
Theo TS. Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, việc bỏ khung giá đất chung và giao UBND cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất theo định kỳ hằng năm là hợp lý. Tuy vậy, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giải quyết bất cập, khiếu kiện thì phương pháp tính giá đất cụ thể là vấn đề được dư luận quan tâm. Trong dự thảo đã đề cập đến quy định về tư vấn xác định giá, về hội đồng thẩm định, song mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung. Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh như hiện nay, rất cần có cơ quan quản lý quy hoạch trong Hội đồng về tư vấn xác định giá đất và cần có quy định về tư cách pháp nhân, chứ không chỉ nêu chung là độc lập, khách quan, trung thực...
Đồng thời, việc giao Chính phủ quy định phương pháp định giá, quy trình xây dựng... cũng chưa giải quyết được yêu cầu cấp bách hiện nay. Để bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của luật và để luật đi vào cuộc sống, dự thảo luật cần có quy định nguyên tắc chung và giao Chính phủ quy định cụ thể.
Kết thúc hội thảo, Tiến sĩ Lê Xuân Rao bày tỏ hoan nghênh các ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan và cho biết Liên hiệp Hội Hà Nội sẽ tổng hợp để gửi tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, giúp các cơ quan hữu quan hoàn thiện Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới.