Cần bảo đảm người có đất bị thu hồi có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Đời sống - Ngày đăng : 15:56, 17/02/2023
Thành phần tham dự hội nghị là thành viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp thành phố; Ban Tư vấn Dân chủ - Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam các quận, huyện và thành phố Thủ Đức; Hội Luật gia, Hội Luật sư thành phố và địa phương.
Các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thống nhất dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những điểm mới, khi thực hiện tạo phấn khởi cho người dân và doanh nghiệp khi sử dụng đất cũng như có các quyền lợi và nghĩa vụ khi sử dụng đất.
Đối với việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, một số ý kiến cho rằng, cần phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Bên cạnh đó, cần quan tâm hỗ trợ cho trẻ em chưa đến tuổi lao động, người khuyết tật, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn theo quy định của pháp luật khi Nhà nước thu hồi đất.
Góp ý về "Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu...", Luật gia Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong nhiều năm qua, cá nhân, tổ chức được giao quyền sử dụng đất đã thực hiện quyền chuyển quyền sử dụng đất, nhưng việc chuyển quyền này cũng không khác gì chuyển quyền sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, rất nhiều công trình xây dựng nhà ở, công trình có mục đích kinh doanh khác đã thực hiện thu hồi đất, định giá đất để bồi thường không hợp lý, không đúng tính chất giao dịch dân sự dẫn đến kiện cáo, khiếu nại, tranh chấp.
"Thực chất người sử dụng đất không được tôn trọng quyền sử dụng đất với ý nghĩa là tài sản là hàng hóa. Đây là một trong lý do cơ bản phát sinh nhiều khiếu nại của người dân", luật gia Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình đề nghị, dự thảo Luật cần ghi rõ người sử dụng đất có quyền mua bán quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Vì, quyền sở hữu gồm 3 quyền năng đó là: Quyền chiếm hữu; quyền sử dụng và quyền định đoạt. Nhưng đất đai là tài sản đặc biệt khác với các tài sản như nhà, xe, tàu, thuyền... vì con người chỉ quan tâm đến quyền sử dụng đất, quyền chiếm đoạt đất trong quyền sử dụng.
“Việc này sẽ ngăn chặn hiện tượng ép giá bồi thường giải tỏa đất ở, đất trồng cây... khi thu hồi đất của dân cho các doanh nghiệp kinh doanh nhà ở, kinh doanh mặt bằng sản xuất... gây thiệt hại lợi ích của người sử dụng đất tạo ra tình trạng khiếu nại về nhà đất, gây bức xúc trong quản lý nhà nước, bức xúc xã hội...”, luật gia Nguyễn Thanh Bình nói.
Một số ý kiến phát biểu tại hội nghị cho rằng, cần bổ sung trường hợp xây dựng nhà ở tập trung cho người lao động làm việc ở khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Mặt khác, các dự án xây dựng nhà ở cho người lao động phải thuộc quy hoạch xây dựng nhà ở tại các khu vực này do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định. Tránh trường hợp lợi dụng quy định để xin giao đất không thu tiền sử dụng đất nhưng lại cho các chủ thể khác thuê để ở.
Các đại biểu dự hội nghị mong muốn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò giám sát của mình để Luật Đất đai phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho người dân sử dụng đất đai có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho biết, Ban Thường trực tiếp tục tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến ngày 15-3-2023 thông qua đường dẫn trực tuyến: https://bit.ly/gopyluatdatdai. Các ý kiến đóng góp sẽ được ghi nhận, tổng hợp đầy đủ, trung thực, phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng và vì lợi ích của nhân dân.