Cả nước có hơn 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới
Đời sống - Ngày đăng : 16:39, 17/02/2023
Theo báo cáo đánh giá của Bộ NN&PTNT, tính đến tháng 2-2023, cả nước đã có hơn 6.000/8.211 xã (hơn 73%) đạt chuẩn NTM; trong đó, có 958 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 113 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí.
Tuy nhiên, kết quả xây dựng NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách, chênh lệch lớn: vùng đồng bằng sông Hồng đạt 100%; Đông Nam Bộ đạt 92,6%; còn khu vực miền núi phía Bắc mới đạt 47,5% và Tây Nguyên đạt 57,8%.
Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hết năm 2022 đã có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Mục tiêu năm 2023, cả nước sẽ có 78% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 25 số xã đạt chuẩn nâng cao và kiểu mẫu; có ít nhất 270 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; có từ 7-8 tỉnh, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và có khoảng 9.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí về OCOP.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận 5 vấn đề cốt lõi để phấn đấu đạt được chủ trương, định hướng chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Cụ thể là: Xây dựng NTM gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Theo đó, vấn đề thứ nhất là trao đổi, thống nhất, quán triệt về tư duy, cách làm trong toàn hệ thống văn phòng, cán bộ tham mưu công tác xây dựng NTM từ trung ương đến địa phương; về nội hàm, định hướng, yêu cầu trong xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Thứ hai, đưa ra giải pháp triển khai đồng bộ các quy định về quản lý, tổ chức, cơ chế phối hợp thực hiện chương trình xây dựng NTM giữa các bộ, ngành và các địa phương.
Thứ ba, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ để tập trung hoàn thành mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2021-2025.
Thứ tư, đề xuất các giải pháp phối hợp thực hiện, cơ chế lồng ghép và huy động các nguồn lực để ưu tiên tập trung thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn nông thôn.
Vấn đề cuối cùng các đại biểu thảo luận là Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 có một điểm rất mới so với các giai đoạn trước, đó là: Ngoài việc ban hành Chương trình xây dựng NTM chung, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 6 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM.
Ngoài việc triển khai thực hiện 11 nội dung của Chương trình xây dựng NTM, các sở, ngành và các địa phương cần làm gì, làm như thế nào để cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả 6 chương trình chuyên đề theo hướng sát thực nhất.