Ngàn năm Thăng Long

Xã hội - Ngày đăng : 08:46, 23/02/2007

(HNM) - Chưa có năm nào như năm nay, đi dọc sông Hồng nghe nước nghe sóng reo náo nức, reo đến bồi hồi. ấy là lòng người Hà Nội đang náo nức, bồi hồi dội vào nước sóng sông Hồng, dội vào ngày nghìn năm Thăng Long sắp đến. Một nhà thơ phương Nam ra Hà Nội giữa một đêm đứng trên đê sông, nhìn Hồng Hà, nghe Hồng Hà mà viết:

(HNM) -Chưa có năm nào như năm nay, đi dọc sông Hồng nghe nước nghe sóng reo náo nức, reo đến bồi hồi. ấy là lòng người Hà Nội đang náo nức, bồi hồi dội vào nước sóng sông Hồng, dội vào ngày nghìn năm Thăng Long sắp đến. Một nhà thơ phương Nam ra Hà Nội giữa một đêm đứng trên đê sông, nhìn Hồng Hà, nghe Hồng Hà mà viết:

Dọc Hồng Hà vỗ sóng Thăng Long

Chiều dời đô nước mây in bóng

Cùng em ngồi nghe đêm sấu rụng

Bồi hồi chiến địa luận anh hùng

Ra đi mở cõi cũng từ Hà Nội. Giờ trở về nghe lại trái tim mình cũng từ Hà Nội. Hà Nội của bốn nghìn năm, Hà Nội của một nghìn năm, Hà Nội của cái thế nền móng, cái thế vững chãi, cái thế rồng nấp hổ ngồi. Bởi Hà Nội là Thăng Long. Một nghìn năm trước định đô cũng từ Thăng Long dựng đô, dựng đế vương, gom về từ bốn cõi, thu phục khắp hiền tài, chói lòa trời mây, an bang tế thế cũng từ Thăng Long - Hà Nội. Luận thời thế, luận anh hùng, luận đạo sáng, luận tôi hiền, luận chọn kẻ sĩ, luận sử thành bại, luận tấn thoái không ngoài một diệu kế - thắng, đi lui về tới không ngoài một đường gươm sáng quắc đặt - trên đầu thù.

Thăng Long Hà Nội bao đời nay cùng trong vận nước có lúc thăng lúc trầm, có khi sôi khi bỏng, có khi được khi mất. Nhưng “Thăng Long phi chiến địa” của lời sấm truyền từ xa xưa và chiếu dời đô của Lý Thái Tổ đã viết “Thăng Long phong phú tốt tươi là chốn thương đô của đế vương muôn đời”. Chính vì thế, thời nào cũng giữ tươi tốt cho thượng đô, không làm Thăng Long kinh động từ ngọn súng mũi dao. Cướp giáo bắt giặc ngoài trận, về Thăng Long viết câu thơ muôn thủa thái bình. Phá trận giặc từ ngoài cửa ngõ, xuống yên ngựa vào hái cành đào đang giữa tết Thăng Long. Có thời ta nhử giặc vào Thăng Long không phải là “kế không thành” mà ta rào, ta giam, ta cầm giặc. Hạ lực giặc ở Thăng Long tăng sức ta ở chiến địa từ xa diệt giặc. Có thời giặc vừa đến cửa ngõ Thăng Long đã cuốn cờ rút vội khi nhận ra Thăng Long một khí thiêng hồn nước, một địa thế long xã. Giặc chui ống đồng, giặc nằm gò đống, giặc vẫy đuôi phục tội đều từ Thăng Long Hà Nội. Ra về để được an toàn đi trên thảm đỏ, đi dưới hàng bóng xanh của “mười năm trồng cây” cho Tổ quốc.

Tổ quốc cứ sau trận đánh lớn, sau cuộc kháng chiến lâu dài, ta lại lau bùn lau máu trên mặt dưới chân, ta hàn gắn lại vết thương vết đau một cung đường, một tường phố, kể cả vết đau từ trong sâu thẳm tâm hồn. Tổ quốc đường hoàng đĩnh đạc, sơn hà xã tắc lại muôn thuở âu ca. Tiếng thương lương tâm, tiếng hát lương tâm, tiếng đồng vọng lương tâm từ bài hịch, bài cáo, bài tuyên ngôn, viết dưới đèn, dưới máy gõ, dưới ánh đêm sao trời Thăng Long - Hà Nội. Thế kỷ XIII, sau hai lần đánh đuổi giặc về lại Thăng Long, vua Trần Nhân Tông bên điện Nguyễn Phong tường vôi ngựa đá với hai câu thơ xuất thần “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã / Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Thế kỷ XV ức Trai - Nguyễn Trãi thay mặt vua Thái Tổ Lê Lợi sau mười năm bình Ngô tuyên cáo trước quốc dân “Xã tắc từ đây vững bền / Giang sơn từ đây đổi mới”. Thế kỷ XX, gần một trăm năm đấu tranh bằng xương máu bằng hy sinh giành lại nước. Bên Cột Cờ Hà Nội, Hồ Chủ tịch tuyên ngôn “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập”. Cũng Thăng Long Hà Nội này, sáu mươi ngày đêm của “Lời thề Quyết tử” cũng là ngày “Hội Quyết tử” trước ngày toàn quốc kháng chiến. Rồi ta tạm ra đi mười năm cũng để Thăng Long Hà Nội bất tử. Sau mười năm kháng chiến trở về Hà Nội, Hồ Chủ tịch tuyên bố cũng là lời chào mừng ngày giải phóng và chiến thắng của chân lý “Xưa là rừng núi là đêm, giờ ta có sông có biển lại có thêm ban ngày”. Giữa những ngày ta làm cuộc kháng chiến lần thứ hai gay go ác liệt, giữa lòng Hà Nội ta làm nên sáu mươi ngày đêm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không. Cũng những ngày này Bác Hồ dự báo ngày mai đất nước ta sẽ “Xây dựng đàng hoàng, hơn to đẹp hơn”.

Một nghìn năm trước, sáu con sông lớn Sào Khê, Hoàng Long, sông Đáy, sông Châu, sông Nhuệ, Tô Lịch làm cuộc dời đô bằng đường thủy từ Hoa Lư ra Đại La Thăng Long. Vết dây kéo, vết neo thả còn đó trên hai bờ Sào Khê, sông Đáy, sông Châu. Dấu sào chống, cỏ rạp mình, hai bờ bãi lở còn đó trên triền sóng sông Nhuệ, Tô Lịch, Hoàng Long. Hội tụ của sáu dòng sông giờ vẫn còn âm vang vỗ sóng lịch sử. Thăng Long Hà Nội thời nào cũng là trái tim của cả nước, niềm tin và hy vọng của nhân dân, niềm kiêu hãnh và tự hào của dân tộc. Thời đại Hồ Chí Minh - Tổ quốc ta - Nhân dân ta - Thăng Long Hà Nội ta, là điểm sáng lương tri, là sức mạnh chân lý của thế giới nhìn về, là điểm hẹn hội tụ của lòng tin vào con người- hòa bình - thân thiện.

Đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đi tìm đường Kách Mệnh cho nước, cho dân tộc- đồng thời đến từng chân trời, từng sắc tộc, từng màu da để chọn cho nước cho dân tộc một sắc cờ, một ngọn cờ của thời đại. Một đêm đen trong nhà tù ở nước ngoài, một giấc mộng từ hồn Người, hồn Nước tượng hình “Sao vàng năm cánh” thành cờ đại nghĩa của ta. Ngày ta đi giành chính quyền, giành độc lập có cờ đỏ sao vàng. Cờ đỏ sao vàng cùng ta vào trận giành chiến thắng, ra trận ta xây dựng cơ đồ. Thời đại Hồ Chí Minh - cờ đỏ sao vàng bay trên cột cờ Thăng Long Hà Nội, bay trên nóc dinh Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh, bay trên rẻo đất mở bờ của Đất Mũi.

Một vùng trời đất trong tay

Chưa vui trọn vẹn, đã bay cờ hồng

(Tố Hữu)

Xưa cờ ta từ trong mộng. Giờ cờ ta thực trong bốn biển năm châu. Đấy đâu phải huyền thoại, đâu phải truyền thuyết - Lịch sử đấy ! Vị Thủ tướng Ô-xtrây-li-a sáng chạy thể thao xung quanh hồ Hoàn Kiếm trong những ngày hội nghị APEC đâu phải đi tìm huyền thoại rùa thần - Lịch sử đấy ! Tổng thống nước Mỹ trong những ngày hội nghị APEC, trên đường gặp những nụ cười Việt Nam ông nói, tôi muốn học muốn làm nụ cười như người Việt Nam. Đấy đâu phải huyền thoại nàng tiên cười trong vỏ ốc Lịch sử đã thành trang, đã thành chương, đã thành trường ca giữ nước. Xương máu ta làm nên lịch sử - lịch sử làm nên chiến công. Lịch sử có trong mồ hôi - nước mắt và nụ cười. Lịch sử có trong bàn tay cầm thanh gươm. Giữ nước có trong trái tim ấm nóng mỗi người Việt -và trong tay mỗi người Việt có thanh gươm Thăng Long từ buổi ra đi.

Xuân Đinh Hợi - 2007

Trúc Chi

ANHTHU