Thủ tướng Phạm Minh Chính: Các chủ thể cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 14:32, 17/02/2023
Dự hội nghị tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Bộ trưởng, Thủ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, các ngân hàng, doanh nghiệp xây dựng, các chuyên gia kinh tế.
Dự hội nghị tại đầu cầu 63 địa phương có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thiếu nhà ở xã hội, nhà ở phân khúc giá rẻ
Báo cáo của Bộ Xây dựng tại hội nghị cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phần khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Lượng giao dịch bất động sản năm 2022 tăng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn giảm so với trước khi có dịch COVID-19. Giá bán được điều chỉnh về giá trị thực.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến 31-12-2022 là gần 800.000 tỷ đồng. Còn theo Bộ Tài chính, tính đến 28-10-2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25-12-2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỷ đồng (chiếm 33,6%).
Thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai, thực hiện dự án
Trên tinh thần “nói thẳng, nói thật, nói hết; khách quan, trung thực”, tại hội nghị, các đại biểu đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững.
Phản ánh về những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp cho rằng những khó khăn có một phần do thể chế, quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở đô thị và xây dựng còn chưa đồng bộ, hợp lý, chưa theo kịp diễn biến thị trường; việc tổ chức thực thi pháp luật ở các địa phương còn lúng túng, rườm rà; việc phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế, một phần do vướng mắc trong vấn đề giao đất; lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; chính sách trao quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn thiếu; quy định về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội còn chặt chẽ, khiến số người được tiếp cận nhà ở xã hội chưa nhiều...
Các doanh nghiệp bất động sản rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng và lãi suất tăng cao. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, nhiều thông tin xã hội không chính xác, không chính thống ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường...
Để thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, các đại biểu đề xuất tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục thực hiện các dự án bất động sản; cụ thể hóa mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển và tập trung phát triển nhà ở xã hội, nhà công nhân; tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn vừa tạo điều kiện thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển; tăng cường thông tin, truyền thông khôi phục niềm tin, hỗ trợ trị trường và hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản...
Các chuyên gia, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương phân tích nguyên nhân của thị trường bất động sản trầm lắng một phần do thừa cung, thiếu cầu, nhất là thiếu nhà ở xã hội, phân khúc nhà phục vụ đại đa số dân cư. Cùng với đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phát hành một lượng trái phiếu rất lớn, hàng trăm ngàn tỷ đồng, gây khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp, nhất là khi Nhà nước kiểm soát chặt chẽ các điều kiện của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Các đại biểu đề nghị cơ cấu lại các phân khúc bất động sản, trong đó tăng tỷ lệ nhà ở xã hội; giảm giá thành bất động sản; cơ cấu, khoanh nợ, hoán đổi các khoản nợ và trái phiếu doanh nghiệp; xử lý dứt điểm các sai phạm tại các dự án; không hình sự hóa các hoạt động kinh tế đơn thuần. Bên cạnh đó, các chuyên gia đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản; thành lập quỹ với số vốn đủ lớn để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội...
Chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trên thị trường bất động sản vừa qua có cơ cấu phân khúc không hợp lý, trong đó phân khúc nhà ở trung - cao cấp nhiều, song phân khúc dành cho người nghèo, người thu nhập thấp ít; giá cả bất động sản nhà ở cao; việc phản ứng chính sách và thị trường của các chủ thể có liên quan chưa kịp thời; pháp lý về thị trường bất động sản còn vướng mắc; tiếp cận nguồn vốn cho bất động sản khó khăn; công tác quy hoạch, điều chỉnh, cơ cấu dự án còn chậm; cán bộ một số nơi, một số lúc còn né tránh do sợ trách nhiệm; các doanh nghiệp bất động sản chưa linh hoạt, kịp thời xử lý những phát sinh nội tại...
Theo Thủ tướng, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì các chủ thể liên quan từ Nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng, người dân cần chung sức, đồng lòng giải quyết, trên tinh thần “đã nói phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có kết quả đo đếm được”; phải giải quyết cả những vấn đề trước mắt và lâu dài, song không chuyển trạng thái đột ngột; tuân thủ nguyên tắc thị trường theo quy luật cung cầu, bình đẳng với các thị trường khác, nhất là về giá cả.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phản ứng chính sách kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những vấn đề nổi lên. Ngành Tài chính, Ngân hàng phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề vướng mắc về tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn...
Riêng các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động, giải quyết những vấn đề nội tại do chính doanh nghiệp để xảy ra; cơ cấu lại các dự án, điều chỉnh các phân khúc; điều chỉnh giá cả; thúc đẩy thanh khoản.
“Kinh doanh thì có lúc có lãi, có lúc gặp khó khăn, không hoàn toàn thuận lợi. Do đó phải biết chấp nhận và điều chỉnh, khắc phục để khôi phục, phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển chung”, Thủ tướng lưu ý.
Đối với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiết giảm các chi phí để tiết kiệm chi, tăng cường chuyển đổi số, giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại các nhóm nợ.
“Nền kinh tế có phát triển, thị trường bất động sản có phát triển thì ngân hàng mới phát triển; lúc khó khăn, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm. Ngân hàng Nhà nước phải quản lý lãi suất huy động, góp phần để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chính quyền các cấp thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong xét duyệt, cấp phép các dự án; tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch để có cơ sở triển khai các dự án; đồng thời quản lý quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời, phù hợp; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng.
Thủ tướng lưu ý tăng cường truyền thông minh bạch, kịp thời để khách hàng lựa chọn sản phẩm tốt; truyền thông chính sách đảm bảo kịp thời, khách quan, trung thực, đúng bản chất, sát tình hình thực tế, góp phần cho thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thủ tướng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có Đề án về phát triển nhà ở xã hội dành cho cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân. Sau hội nghị này, Chính phủ sẽ có nghị quyết về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; yêu cầu các chủ thể triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ.