Cơ hội giảm lãi suất
Tài chính - Ngày đăng : 06:31, 17/02/2023
Áp lực huy động vốn hạ nhiệt
Sau những cơn sóng tăng lãi suất huy động hồi cuối năm 2022, mặt bằng lãi suất đầu năm 2023 đã dần hạ nhiệt. Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, thời gian qua, nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước không nâng lãi suất huy động “kịch khung”. Các ngân hàng thương mại đã thống nhất giảm thêm lãi suất huy động để từng bước giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và thị trường. Thực tế là nhiều ngân hàng đã có kế hoạch giảm lãi suất huy động VND về tối đa 8,5%/năm với tổ chức và 8,7%/năm với cá nhân, thay vì mức 9,5%/năm như hiện nay.
Nếu trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãi suất huy động bị đẩy lên sát ngưỡng 10%/năm, thì sau kỳ nghỉ Tết, các ngân hàng đã kéo lãi suất huy động xuống khoảng 8%-9,5%/năm đối với tiền gửi thông thường, giảm 0,5-2%/năm so với thời điểm tháng 11-2022.
Khảo sát tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), khung lãi suất tiền gửi, có hiệu lực từ ngày 30-1-2023, đồng loạt giảm 0,5%/năm ở các kỳ hạn 6-11 tháng xuống còn 8,5%/năm; các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên cũng giảm 0,3%/năm xuống còn 8,7%/năm. Tương tự, từ giữa tháng 1-2023, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng giảm 0,3%/năm lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng về còn 5,7%/năm; kỳ hạn 2 tháng giảm 0,2%/năm; 3 tháng giảm 0,1%/năm và 4 tháng giảm 0,05%/năm; tạm thời rời mốc trần 6%/năm theo quy định đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng.
Không riêng Techcombank, Sacombank, hàng loạt các ngân hàng khác cũng có động thái giảm lãi suất huy động cho thấy áp lực lên hoạt động huy động vốn của các ngân hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn cuối năm 2022, thời điểm lãi suất tiền gửi tăng khá nhanh và mạnh.
Các chuyên gia đều cho rằng, các điều kiện kinh tế vĩ mô đã thuận lợi hơn cho việc giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, mới chỉ có lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay chưa giảm đáng kể, đang ở mức 12-16%/năm tùy kỳ hạn vay và mục đích vay. Nếu áp dụng mức lãi suất 16%/năm, doanh nghiệp khó mà duy trì hoạt động, nên cần thiết có giải pháp từ các ngân hàng thương mại kéo lãi suất huy động và cho vay để từ đó tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Cơ sở để kìm đà tăng của lãi suất
Báo cáo của Công ty FiinGroup (nhà cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, thông tin kinh doanh…) mới đây đánh giá khả năng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành trong quý I-2023 đã giảm bớt cùng với sự phục hồi của tiền VND. Còn theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt, áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, nay áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023, cũng như định hướng kìm giữ đà tăng lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và chính sách tài khóa chia sẻ áp lực với chính sách tiền tệ, nên áp lực tỷ giá kỳ vọng cũng sẽ giảm.
Ngoài ra, hỗ trợ giúp lãi suất hiện nay hạ nhiệt đáng kể so với trước là yếu tố mùa vụ. Hoạt động tín dụng những tháng đầu năm thường tăng trưởng khá chậm chạp do nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh thời điểm này rất thấp, ngược lại dòng tiền có xu hướng chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng thông qua gửi tiết kiệm đầu năm sau khi người lao động nhận thưởng dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước sửa quy định về cách tính tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) cũng góp phần giảm áp lực huy động vốn cho nhiều ngân hàng.
Về lãi suất thời gian tới, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Từ Tiến Phát cho biết, ACB sẽ triển khai các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất, miễn giảm các loại phí nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. ACB duy trì chính sách giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thông tin, việc giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ; lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng; tín dụng tăng nhanh hơn huy động vốn tạo áp lực cho các tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất để ổn định và thu hút thêm nguồn vốn. Bên cạnh đó, đồng USD tiếp tục tăng giá cũng là một yếu tố quan trọng gây áp lực lên lãi suất VND. Tuy nhiên, khi có điều kiện thuận lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất. Từ đó, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn.