Dưa hấu ngày Tết
Xã hội - Ngày đăng : 19:54, 15/02/2007
In hay viết trên giấy rất đẹp, nền màu điều chữ vàng tươi. Dưa để cúng, ăn và bói cầu may. Vì vậy người ta lựa chọn kỹ khi mua dưa. Sáng mồng một tết là quan trọng nhất, sau khi cúng, người ta chọn một quả bổ ra, dưa đỏ au, vừa độ, mọng nước thơm ngon, ngọt... thì cho là may, hên, tốt lành cho việc làm ăn suốt cả năm mới.
Thường ngày trong năm các chợ cũng bán dưa hấu. Nhưng dịp Tết - mới là đại trà. Dọc đường lộ, bến sông, ghe thuyền tấp nập, xe cộ san sát, dưa hấu từ trong ruộng đồng ở miền Tây như Long An, Gò Công, Mỹ Tho, Cần Thơ, Thốt Nốt, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau v.v... ngập tràn, chất ngất, dập dìu ở khắp mọi nơi. Đâu đâu dưa hấu cũng nằm lăn lóc hay từng chồng cao ngang đầu người, lót trên thảm rơm vàng óng, vỏ dưa bóng láng thật bắt mắt. Nhiều quả to, nặng hơn cả chục ký, thật đã đời...
Mấy năm gần đây, có nhiều giống dưa hấu nước ngoài được trồng như dưa Thái, dưa Đài Loan, da vàng, ruột vàng hoặc đỏ, loại quả dài sọc xanh đều nhau cỡ 3-4 kg, ngọt, đậm được người dùng ưa chuộng. Nhưng ngày Tết cổ truyền , xuân về, bà con vẫn ưa thờ cúng giống dưa hấu nội, quả tròn truyền thống. Người Nam bộ thường nói rằng: “Tết mà không có dưa hấu thì chưa thấy Tết”. Ăn quả nhớ người trồng cây. Dưa hấu thuộc loại cây trồng ưa chân ruộng cao ráo, nắng khô, không hợp với ruộng thấp, mưa nhiều. Vì nếu sũng đọng nước, mưa nhiều sẽ bị hư cảquả lẫn cây. Người làm dưa cũng phải có tay nghề, dưa cần được chăm sóc kỹ càng, che chắn cẩn thận. Quả dưa trên ruộng hay đã thu hoạch phải để nhẹ nhàng, tự nhiên, tránh làm xây xát, dập vỏ. Thường một gia đình làm lúa thì xen kẽ vài mùa dưa hấu mới cho năng suất cao. Cây có quả to vậy song lại là dây leo mềm mại mỏng mảnh tràn luống đất, ra hoa, kết quả nằm lăn lóc khắp ruộng. Người làm phải trông coi luân phiên như chăm tằm rộ, tránh sâu bệnh, chim, chuột ăn, phá. Mỗi cây thường được ngắt ngọn cho ra nhiều nhánh, mỗi nhánh chỉ để một quả thì mới có quả lớn, đẹp, chắc, ngon. Ông Năm Tèo, hơn 50 tuổi, nhà nông mấy đời ở ấp Hiệp Trị, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, hơn 10 năm qua vẫn tiếp nối truyền thống gia đình trồng dưa. Ông chỉ trồng nửa héc-ta, chăm bón kỹ càng, lại thụ phấn nhân tạo để quả chắc hơn. Quanh vùng cũng nhiều người như ông, trồng luân phiên lúa - dưa hấu. Tuy nhiên, nhiều lúc được mùa thì trúng to mà lắm khithất bát cũng ế ẩm vì nhiều lý do khác nhau, mưa nắng, thị trường, sâu bệnh, thời tiết v.v... Nhưng đã thành truyền thống hằng năm, dân vẫn vừa sạ lúa vừa trồng dưa. Một món ăn cũng từ dưa hấu, cũng đại trà không kém trong ngày xuân, đó là hạt dưa. Người ta nhuộm thêm cho hạt màu đỏ son trước khi rang, để vừa trò chuyện vừa chắt miệng, lai rai cho đỏ môi xôm tụ, đậm đà. Hạt dưa thường được chuẩn bị từ mùa tết trước. Cả mấy ngàn tấn dưa không dùng hết trong dịp tết, được để cho ngấu rục ra lấy hạt. Thế là bản thân dưa hấu đã đóng góp 2 món ăn cho mùa xuân, khi Tết đến.
Gần chục năm lại đây có nhiều khách hàng từ các tỉnh phía Bắc như Hà Tây, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội v.v... đã vào các tỉnh miền Tây, TP Hồ Chí Minh mua bán trái cây, nhất là dưa hấu Tết. Cứ như thế, ngày xuân cùng với các loại trái cây khác, dưa hấu phô diễn hết mình cái ngon, cái đẹp cho người người đón xuân, thưởng thức như một nét văn hóa ẩm thực gần gũi, gợi nhớ thêm về câu chuyện người con tài hoa Mai AnTiêm của Vua Hùng thuở trước.
Hoàng Hữu Quế