Cảnh Thái lam
Văn hóa - Ngày đăng : 17:44, 15/02/2007
Một bình Cảnh Thái lam đúng niên hiệu Cảnh Thái (1450-1457) quý lắm. Sau đó, kỹ nghệ này phát triển mãi, màu lam đôi khi được thay thế bằng đen, đỏ hoặc vàng… nhưng kỹ thuật chế tác vẫn không thay đổi. Đặc điểm nghệ thuật căn bản của Cảnh Thái lam cho dù cũ hay mới là nhờ vào độ tương phản của màu sắc. Độ tương phản này một phần do chính độ tươi sáng tự nhiên của các màu ngọc, đá nghiền nhỏ đặt cạnh nhau vốn là chất liệu gốc của Cảnh Thái lam. Thêm vào đó, các nghệ nhân lại tận dụng độ tương phản ấy để làm giàu thêm sắc thái cho chiếc bình; nên Cảnh Thái lam xưa nay vẫn nổi tiếng là “muôn hồng ngàn tía”.
Tuy là hậu duệ của đồ sứ, nhưng Cảnh Thái lam với cốt bằng đồng, đương nhiên không dễ vỡ như đồ gốm, sứ nên khá được ưa chuộng. Kỹ thuật đặt men trên đồ đồng thời Minh này đã khai sinh ra đồ tráng men hiện đại.
Để có Cảnh Thái lam, thoạt đầu người ta phải chế các “phôi”. Đó là những bình, chậu, bát, đĩa… bằng đồng đỏ. Theo lối cổ, cốt đồng thường dày dặn, phỏng theo cổ đồng Thương - Chu; còn lối mới từ khoảng nửa cuối thế kỷ XVII, cốt đồng có mỏng hơn. Nhưng những món đặc biệt, dù mới vẫn thấy cốt đồng dày lắm. Có như vậy cái phôi đồng kia mới chịu được lửa lò, đủ nung chảy các loại men đá, ngọc đã được làm cho bám trên mình sản phẩm. Vì men bằng chất liệu quí gồm những đá, những ngọc nhiều màu nên vừa ra lò, Cảnh Thái lam đã phô vẻ rực rỡ hiếm thấy. Dĩ nhiên, tỷ lệ thuận với vẻ đẹp ấy là một món tiền lớn; và không phải ai cũng có để sở hữu một Cảnh Thái lam đúng cổ. Do đó, thường những bậc cự gia phú hộ mới đủ ngân lượng để có được Cảnh Thái lam xưa.
Sau khi đã có phôi đồng, công đoạn thứ hai là các họa bôi công sẽ “vẽ hình” lên trên các phôi đồng. Mỗi người chuyên một môn nhất định, có người chuyên vẽ hoa, người khác lại chỉ vẽ nhân vật hoặc long - phượng. Người giỏi thư pháp giúp hoàn thành bức vẽ trên bình với một hàng thơ cổ… ở đây có điểm khác so với cách vẽ trên sứ. Thay vì dùng men vẽ trực tiếp các nét lên bề mặt cốt gốm hoặc sứ, ở đây nghệ nhân phải thực hiện một công đoạn khác tỉ mỉ hơn nhiều. Đó là thay vì đưa các nét bút, họ phải cẩn từng mảnh đồng nhỏ xíu thành các họa tiết. Tác dụng của các “nét đồng” này là giúp hình thành các vách ngăn các màu sắc của các họa tiết như: bông hoa đỏ gồm nhiều cánh với các cành, lá để màu của chúng không lẫn vào nhau. Sau khi người thợ đã cẩn xong các chi tiết đồng, các họa bôi công mới dùng bút đi màu lên các ô họa tiết; tỷ như màu lục vào các họa tiết của lá, sắc hồng vào các cánh của hoa, vàng thư vào nhụy… (như trong ảnh). Khi men đã phủ đầy các họa tiết, chiếc bình, chiếc bát hoặc đĩa… kể như đã xong. Như vậy có thể thấy mỗi một Cảnh Thái lam là một sản phẩm của sự công phu khó tả. Công đoạn cuối cùng là các sản phẩm được cho vào lò nung. Lối đốt cổ vẫn dùng củi tùng, củi bách nên Cảnh Thái lam cổ chín đều, có phần tươi nhuận hơn. Thêm nữa, các màu cổ thuần chế bằng các loại đá quí nên chiếc bình càng phô vẻ trác tuyệt. Cảnh Thái lam theo lối mới đa phần dùng màu hóa học, lại nung bằng khí ga hoặc dầu nên độ rực rỡ bị ép mà phát sáng đã át hẳn vẻ trầm lắng có duyên của thứ màu tự nhiên thủa trước. Thế mới biết trọng lượng của một Cảnh Thái lam cổ được tính bằng vàng quả không phải là ngoa truyền!
Ngày nay, xưởng Cảnh Thái lam ở thành Bắc Kinh vẫn tiếp tục công việc thủa nào. Các công đoạn vẫn không khác lắm so với mấy trăm năm trước. Có điều, xưa Cảnh Thái lam là ngự chế xưởng - xưởng của nhà vua - ngoài thợ chế tác, dân thường không được bén mảng, thì nay cửa xưởng luôn rộng mở đón khách du lịch bốn phương. Có người lấy làm hãnh diện khi mua một món Cảnh Thái lam ngay ở nơi sản xuất về làm kỷ niệm cho chuyến du ngoạn ở Bắc Kinh. Nhân dịp xuân về, để thấy bóng dáng của Cảnh Thái lam cũ, Hà Nội ngàn năm gửi tới bạn yêu cổ ngoạn dăm món của dòng đồ này. Tuy chưa gọi là tiêu biểu, nhưng tất cả đều đã leo lên sàn đấu giá ở trời Tây.
Bài và ảnh: Nhật Nam