Dẹp nạn ăn xin đang tái diễn trên phố
Bạn đọc - Ngày đăng : 07:11, 17/01/2023
Biến tướng hành vi ăn xin
Theo chân cán bộ Đội trật tự xã hội lưu động của Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) những ngày qua cho thấy, hành trình thu gom một đối tượng lang thang về trung tâm không đơn giản bởi họ có hành vi né tránh rất chuyên nghiệp.
Cụ thể, 14h30 ngày 12-1, tại ngã tư Nguyễn Hoàng - Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), người ăn xin tên Vương Thị Xuân Huệ, sinh năm 2006 quê ở Ngọc Động, Hà Quảng, Cao Bằng lang thang xin tiền người đi đường. Huệ bị dị tật ở mặt, ai hỏi cũng không trả lời.
Tương tự, cùng ngày tại địa điểm nêu trên, người lang thang tên Trần Văn Tuân, sinh năm 1960, quê ở Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ cũng xin tiền người đi đường trong tình trạng sức khỏe già yếu, bàn tay phải co quắp. Theo lời khai của ông Tuân thì ông có tiền sử động kinh nên có dị tật ở tay.
Ngày 3-1, đối tượng ăn xin Hà Thế Bảy cũng lang thang khắp phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) để xin tiền ở các cửa hàng, quán ăn, trong tình trạng đi lại khó khăn do hỏng chân trái, phải dùng nạng để hỗ trợ. Hoặc như bà Nguyễn Thị Nam, ở quận Đống Đa cũng thường lang thang ngày đêm trên các tuyến phố thuộc địa bàn quận để xin tiền.
Có một điểm khác biệt so với trước là các đối tượng biến tướng trong hành vi, thay đổi “chiến thuật”, không hoàn toàn chỉ ăn xin trên phố mà núp bóng dưới hình thức bán hàng rong, núp dưới danh nghĩa các trung tâm, câu lạc bộ từ thiện... để xin tiền người đi đường.
Tại các nút giao như: Ngã Tư Sở - đường Láng; Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; Lê Duẩn - Khâm Thiên; Dương Đình Nghệ - Phạm Văn Bạch… cũng thường có người ăn xin ngồi vạ vật ở vỉa hè, đợi các phương tiện dừng đèn đỏ để xin tiền người đi đường. Tại nhiều quán ăn trên địa bàn quận Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, các khu di tích, du lịch, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận… cũng xuất hiện hiện tượng người lang thang xin tiền của khách.
Cách nào để chấm dứt tình trạng người ăn xin?
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2022 có gần 385 lượt người lang thang được đưa về trung tâm để chăm sóc, nuôi dưỡng. Trong đó, có 292 lượt người trực tiếp tập trung (chiếm 75,84%) và 93 lượt là tiếp nhận từ xã, phường, thị trấn (chiếm 24,16%). Hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng 37 người.
Theo Đội trưởng Đội Trật tự xã hội lưu động Nguyễn Văn Hải, phần lớn người lang thang xin tiền đều tham gia các nhóm tự lập để được bảo kê nên có sự thông đồng, hợp tác để tránh bị tập trung đưa vào trung tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, đã có 2 người lang thang có hành vi chống trả và gây thương tích cho 3 viên chức, người lao động của đội (trong đó có 1 người phải uống thuốc phơi nhiễm HIV) khi thực hiện nhiệm vụ.
Tuy vậy, khi bị tập trung, các đối tượng không cung cấp nhiều thông tin cho cán bộ làm nhiệm vụ, dù gặng hỏi thế nào cũng chỉ trả lời là đi một mình, không có người đưa đi. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội Nguyễn Văn Quảng, có nhiều đối tượng sau khi được nuôi dưỡng theo quy định là 30 ngày rồi chuyển trả về địa phương thì ngay lập tức có đối tượng đón ngay ở cổng trung tâm để đưa về các nhóm xin ăn.
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Dương Tuyết Nhung cho biết, Sở thường xuyên có công văn đề nghị Công an thành phố, UBND các phường, xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý các đối tượng bảo kê sử dụng người lang thang xin tiền có tính chất tổ chức chuyên nghiệp, đồng thời chủ động phát hiện và có kế hoạch giải quyết dứt điểm tình trạng người lang thang xin tiền. Sở cũng đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường giải pháp trợ giúp đối tượng yếu thế ngay tại gia đình, cộng đồng.
UBND các quận, huyện, xã, phường cũng thường xuyên kết hợp cùng các cán bộ trung tâm đi khảo sát, ghi nhận bằng chứng và thực hiện các thủ tục để thu gom, đưa người lang thang ăn xin sang trung tâm. Đồng thời, thu thập, cung cấp thông tin của nạn nhân cho lực lượng công an để làm căn cứ điều tra các nhóm bảo kê.
Tuy nhiên, về lâu dài, để ngăn chặn hành vi bảo kê người ăn xin, rất cần sự vào cuộc sát sao hơn nữa của chính quyền địa phương mà chủ yếu là lực lượng công an để tìm ra các đối tượng đứng đằng sau thao túng hành vi kiếm tiền một cách bất hợp pháp của những người yếu thế.