Lòng yêu nghề trong “Chuẩn giáo viên tiểu học”

Giáo dục - Ngày đăng : 08:57, 15/02/2007

Yêu nghề là tiêu chuẩn số 1, tiêu chuẩn quyết định mọi thành công của nghề dạy học. Điều ấy một lần nữa được khẳng định trong dự thảo chuẩn giáo viên tiểu học (GVTH) sắp được đưa vào triển khai đại trà khi “yêu nghề” đặt ngay sau “yêu nước”, và được coi là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của mỗi nhà giáo.

Giờ tập đọc ở Trường tiểu học Thăng Long.Ảnh: TK

Yêu nghề là tiêu chuẩn số 1, tiêu chuẩn quyết định mọi thành công của nghề dạy học. Điều ấy một lần nữa được khẳng định trong dự thảo chuẩn giáo viên tiểu học (GVTH) sắp được đưa vào triển khai đại trà khi “yêu nghề” đặt ngay sau “yêu nước”, và được coi là một trong những phẩm chất quan trọng hàng đầu của mỗi nhà giáo.

Một nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, tay nghề vững, nhưng không yêu nghề thì bài giảng trở nên vô hồn. Ngược lại, có nhiều nhà giáo trình độ chuyên môn còn hạn chế, nhưng chính sự yêu nghề, mến trẻ, đã giúp họ gặt hái được nhiều thành công. Từ “yên tâm với nghề dạy học” (mức I), “yêu nghề, tham gia đầy đủ các hoạt động liên quan đến nghề dạy học” (mức II), “tận tụy với nghề, tích cực cải tiến, đúc rút kinh nghiệm nâng cao tay nghề (mức III), và rồi “say mê nghề nghiệp, toàn tâm, toàn ý với nghề” (mức IV) như chuẩn GVTH đã nêu được tầm quan trọng của yêu cầu này với nghề dạy học.

Có người cho rằng, “yêu nghề” là một cái gì đó trừu tượng. Song, lịch sử giáo dục cách mạng Việt Nam đã ghi nhận, chính lòng yêu nghề đã giúp hàng ngàn GVTH vượt qua mọi khó khăn để bám trường, bám lớp, bám bản làng ở những nơi khó khăn nhất. Có những thầy cô giáo mới chỉ dừng lại ở trình độ 7+1, 7+2, nhưng nhờ “chất lửa” của trái tim yêu nghề đã làm nên những điều phi thường trong sự nghiệp. Nếu phải so đo, tính toán thì ai dám dành trọn cả cuộc đời dạy học của mình cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Có người ra trường, đến với bản Mông xa xôi khi cả bản chưa một người nói sõi tiếng phổ thông, vậy mà bằng sự yêu nghề, say nghề của mình, khi họ về hưu, bản Mông ấy đã là một điểm sáng văn hóa. Tôi từng nghe kể về các thầy cô giáo đang dạy học ở những bản làng xa xôi mà việc dỗ học sinh (HS) đi học còn khó hơn cả việc dạy cho các em biết đọc, biết viết. Trong số họ có người được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Chiến sĩ thi đua” các cấp…phần đông chỉ là “cô giáo của bản”, nhưng lòng tin yêu, kính trọng của phụ huynh, HS dành cho họ thì vô hạn.

Có lẽ, nếu không phải là lòng yêu nghề, khó ai có thể cắt nghĩa được sức mạnh nào đã giúp biết bao thầy, cô giáo vượt qua thời kỳ gian khó của những ngày đất nước còn nghèo. Tôi từng vô cùng xúc động, khi nghe một người thầy giáo già, kể về đồng nghiệp của mình - cô Q, dạy học ở một huyện miền núi. Thủa ấy còn nghèo, 13 kg lương thực phải đi lấy ba lần, mà chỉ được có 2 cân rưỡi gạo, còn lại toàn là sắn lát. Trường luôn thiếu GV, nên phần lớn mọi người đều phải dạy 2 ca. Hôm ấy cô Q dạy xong buổi sáng, không kịp ăn cơm trưa, vội xuống bản dạy lớp xóa mù. Về đến nhà, cô lả đi vì đói, mặt mũi tái mét, chân tay run lên bần bật, vậy mà chiều tối đến lại vội vàng đi dạy, ai ngăn cũng không được. Cô bảo: “HS đi cả hàng chục cây số mới đến trường, để các em nghỉ học thương lắm !”. Vị hiệu trưởng - chính là người thầy giáo đang kể chuyện cho tôi nghe, ngậm ngùi: “Làm hiệu trưởng, thấy anh em vất vả, tôi thương đến ứa nước mắt. Nhưng biết làm sao được, tình thương với học trò thì vô hạn. Mà thủa ấy, nào có đồng tiền dạy thay giờ đâu ! Bây giờ đọc báo, thấy có người kết tội GV nhiều quá, tôi cứ ước một điều, giá có lần, họ trèo núi, vượt sông đến với GV vùng cao để cùng thấm thía nỗi vất vả, lòng yêu nghề, sự cống hiến, hy sinh của họ…”.

Nói đến GV cắm bản, cắm làng, cũng tức là nói nhiều đến đội ngũ GVTH. Cái cách dạy 3 lớp, mỗi lớp 3 em, cũng chỉ có ở GVTH. Cái yêu cầu phải dạy được, tiến tới dạy tốt 9 môn cũng chỉ có đối với GVTH. Thời gian lao động tới trên 20 tiết (chưa kể buổi 2), cộng thêm làm chủ nhiệm, cũng chỉ có ở GVTH… Có người nói, bây giờ GV đã thành thợ dạy học. Điều đó có thể đúng một phần, và có lẽ ở các bậc học trên, còn đối với GVTH, thì cô giáo đúng là phải như người mẹ hiền. Hơn lúc nào hết, HS tiểu học luôn cảm nhận rất rõ ràng, cụ thể, tinh tế tình cảm của cô giáo.

Nói như vậy, không phải là “duy ý chí”, xem nhẹ yêu cầu về kiến thức của GV. Có một thực tế là, đội ngũ GVTH hiện nay, sau khi tốt nghiệp sư phạm thì cơ bản đã đủ trình độ để đứng trên bục giảng. Nhưng họ cần hiểu biết rộng và thực tế hơn. Những kiến thức ấy trong trường chưa đủ, mà phải cần tích lũy trong cuộc sống. Vậy nên phải yêu nghề, trân trọng nghề mới có ý thức, đủ kiên nhẫn để trau dồi, bổ sung dần. Hiện nay, yêu cầu của chương trình mới đòi hỏi GV phải luôn sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học. Các nhà khoa học, quản lý giáo dục cũng đưa ra nhiều mô hình dạy học mới. Thế nhưng, muốn phương pháp ấy thành công thì người GV phải biết “thổi hồn” vào chúng. Đó là khi các thầy cô say mê khám phá, tìm tòi, sáng tạo, vận dụng những phương pháp, sáng kiến mới cho bài giảng thêm sinh động, lôi cuốn HS... Những thứ ấy như xăng, như dầu, như mỡ… để “cỗ máy” phương pháp vận hành trơn tru…

Yêu nghề, say mê với nghề là một trong những phẩm chất hàng đầu của mỗi GV, cũng là truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam. Điều ấy là một minh chứng cụ thể cho thấy, qua bao thăng trầm của lịch sử,GVTH nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung vẫn hằng ngày miệt mài bên những trang giáo án, say sưa trên bục giảng, góp phần tạo nên những gương mặt của thế hệ trẻ đầy tài năng và nhiệt huyết như ngày hôm nay.

M.Đ

ANHTHU