Làng Thụy Hà
Xã hội - Ngày đăng : 07:43, 13/02/2007
Năm Tự Đức thứ 29 (1876), tổng Đông Đồ cùng một số tổng khác của các huyện: Đông Ngàn, Kim Anh, Đa Phúc (tỉnh Bắc Ninh), huyện Yên Lãng (phủ Tam Đái, tỉnh Sơn Tây) được tách ra để thành lập huyện Đông Anh, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1901, huyện Đông Anh được cắt chuyển từ tỉnh Bắc Ninh sang tỉnh Phù Lỗ (năm 1903 đổi thành tỉnh Phúc Yên). Năm 1928, làng có 1073 nhân khẩu.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Thụy Hà hợp nhất với các làng Chu Lão, Sơn Gia thành xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Tháng 5 - 1961, xã Bắc Hồng cùng các xã trong huyện Đông anh được chuyển về thành phố Hà Nội.
Thụy Hà nằm ven sông Cà Lồ ở phía Nam, phía Tây là một dải đất cao tự như một con rồng ôm lấy làng, nhiều gò mang những tên cổ, gợi nhớ một trại đồn, dinh thự của một viên tướng hay viên quan nào xưa kia, như : gò Trống, gò Con Quy…
Tục truyền, làng Thụy Hà hình thành từ rất sớm,. Vào thời Hùng Vương, đã có 5 dòng họ Nguyễn (Nguyễn Duy - 2 chi, Nguyễn Dương, Nguyễn Đức, Nguyễn Văn và Nguyễn Thế) cư tụ tại mảnh đất này. Bấy giờ, có vị Lạc tướng là Cao Sơn từng đóng quân tại đây. Cánh đồng Rộc ở phía Nam làng là nơi diễn ra trận quyết chiến với giặc. Xung quanh cánh đồng là rừng rậm. Cao Sơn đã bài binh quanh rừng rồi dùng phép hỏa công. Rừng bốc cháy, quân giặc bị dồn vào đồng để quân sĩ của Cao Sơn và trai tráng làng Thụy Hà xông vào tiêu diệt. Giặc tan, Cao Sơn khao thưởng cho các dòng họ trong làng.
Tục truyền, đất làng Thụy Hà phát về văn học. Quanh làng có các gò Vường Sách, gò Nghiên Bút như là biểu tượng cho việc học của làng. Trong ngày hội mồng 9 tháng Giêng của làng có lệ rước của các dòng họ (tập trung từ cổng làng về đình). Mỗi dòng họ tiêu biểu cho một mức đỗ đạt về văn và võ, dùng nhạc khí, tàn lọng, quần áo riêng, như họ Nguyễn Duy (chi trên) gọi là đám ông nghè luôn đi đầu, dùng khánh làm nhạc khí. Tiếp đến là họ ông cống (họ Nguyễn Dương) dùng đạc v. v. Tuy nhiên, tra trong các sách Đăng khoa lục chỉ thấy có ông Nguyễn Cơ (1678 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn niên hiệu Vĩnh Thịnh đời Vua Lê Dụ Tông (năm 1712), làm quan đến chứcTự Khanh; còn Hương cống và Cử nhân không có người nào.
Ngoài Cao Sơn, làng Thụy Hà còn thờ thánh Tam Giang tức Trương Hống, Trương Hát - hai anh em cùng là tướng của Triệu Quang Phục (cuối thế kỷ VI).
Hội làng Thụy Hà mở từ ngày mồng 8 đến 13 tháng Giêng. Sáng mồng 8 có lễ “rước đám Rậm”, rước kiệu thánh và các đồ binh khí từ đình ra cánh đồng Rộc. Sau lễ tế là lễ múa gươm, diễn lại sự tích dân làng cùng quân sĩ của ao Sơn đánh thắng giặc tại đây. Sau đó lại rước kiệu thánh về đình làm lễ rồi về các nhà thờ họ làm lễ tổ, xong tất cả tập trung ở cổng làng để rước về đình. Nồi hương của các dòng họ được đặt ở hai bên : phía Bắc đình là các họ Nguyễn Duy (chi trên), Nguyễn Dương, Nguyễn Đức; phía Nam đình là các họ Nguyễn Duy (chi dưới), Nguyễn Văn, Nguyễn Thế, Nguyễn Tiến. Sau đó các họ cùng tế thần. Đến ngày 13 tan hội, lại rước trả nồi hương về nhà thờ các dòng họ vào buổi tối. Lễ thức nay phản ánh truyền thống đoàn kết, cố kết của các dòng họ trong làng.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính