Bạo lực - "Văn hóa”" chung của các Ultras
Thể thao - Ngày đăng : 07:25, 09/02/2007
Bạo lực, đó như một thứ “văn hóa” chung của những ultras. Giờ đây, ultras đang trở thành một nỗi kinh hoàng cho các CĐV chân chính ở các SVĐ. Làm thế nào để loại bỏ những ultras quá khích ra khỏi đời sống bóng đá?
Diễn đàn - Nơi "hò hẹn" lý tưởng của các ultras
“Mày thấy cái chết của tay cảnh sát đó (Filippo Raciti) thế nào?”. “Tao cảm thấy điều đó hết sức thú vị!”... Đó là một trong những đoạn đối thoại trên các diễn đàn của những ultras ở Italia sau khi những kẻ quá khích đã tấn công xe của quan chức cảnh sát Filippo Raciti, khiến ông này thiệt mạng.
Vũ khí của những ultras thường là pháo và bom tự tạo
Ở thành phố Milan, trên một bức tường gần SVĐ San Siro (một trong những sân không đáp ứng được yêu cầu về an ninh), người ta còn thấy xuất hiện một dòng chữ được viết vội của một ultra 2 ngày sau khi vụ bạo loạn ở Massimino kết thúc: “Đấy mới chỉ là một phần trong những trận đấu, và nó sẽ còn tiếp tục!”.
Đó không phải một lời nói suông mà là lời cảnh báo các ultra gửi đến giới cầm quyền ở Italia. Sau khi làm hỏng những trận đấu, những kẻ quá khích giờ đây quay sang chống lại cảnh sát và chính quyền để giải tỏa cơn khát bạo lực của mình.
Trong thời đại phát triển của Internet, những ultras không cần phải gặp nhau trực tiếp mới có thể "gây sự" được. Một kẻ ở miền Bắc, một kẻ ở miền Nam cũng có thể thực hiện một kế hoạch cho mình chỉ cần có cùng một sở thích: bạo lực. Và diễn đàn chính là nơi "hò hẹn" lý tưởng của các ultras
Có thể dễ dàng nhận thấy một điều, các ultras đang ngày càng tàn bạo hơn và công khai chống đối lại cảnh sát cùng cơ quan chức năng. Điều này một phần rất lớn xuất phát từ những ảnh hưởng của xã hội bên ngoài cùng những cuộc đấu tranh chính trị.
Trong một xã hội đầy rẫy tôi phạm và những vụ giết người. Khi mà mafia tồn tại như một chính quyền thứ hai ở Italia, đặc biệt là ở những thành phố miền Nam, nơi cánh tay của luật pháp vẫn chưa (hay không thể?) vươn tới, những tác động tiêu cực đến suy nghĩ của các ultras là điều tất yếu.
Những nẻo đường trở thành... ultras!
Đáng chú ý là ngay cả giới học thức cũng chiếm một tỉ lệ rất lớn trong số những ultras quá khích ở Italia. Điều đó cho thấy để giải tỏa những áp lực của cuộc sống, những người này cũng tìm đến bạo lực và không nơi nào tốt hơn là các SVĐ, nơi mà sự kiểm tra ngày càng lỏng lẻo.
Ultras là nỗi khiếp sợ cho những CĐV chân chính mỗi khi đến SVĐ
Bên cạnh đó, những vấn đề tồn đọng trong lòng bóng đá Italia (như một thứ “văn hóa” bóng đá), mà nổi bật nhất là sự bất công và khoảng cách giàu nghèo cũng là nguyên nhân gây nên những cảnh bạo lực trên các sân cỏ ở đất nước hình chiếc ủng.
Cũng giống như các CLB, có thể thua bất kỳ đội nào nhưng việc thất bại trước những đội bóng láng giềng là điều rất khó chấp nhận. Với tư tưởng đó, những kẻ quá khích tìm đủ mọi cách cốt để chứng minh rằng mình tàn bạo hơn đối thủ, đặc biệt là trong những trận derby giữa các đội bóng cùng thành phố.
Trước kia, những vụ đụng độ thường chỉ diễn ra giữa các nhóm ultras với nhau. Thế nhưng, giờ đây những kẻ quá khích này sẵn sàng quay sang gây gổ và tấn công cả cảnh sát. Những cuộc va chạm giữa ultras và cảnh sát diễn ra như cơm bữa và ngày một phức tạp, mà cái chết của quan chức cảnh sát Filippo Raciti là lời cảnh báo cho nhà nước Italia.
Bạo lực BĐ Ý gia tăng vì sự quan liêu của Lega Calcio
Một vấn đề khác được xem là góp phần làm tăng nạn bạo lực là sự bảo thủ và quan liêu trong toàn bộ hệ thống Lega Calcio (và đó cũng là một nét đặc trưng trong các cơ quan ở Italia).
Năm 2003, phải đến khi chứng kiến Sergio Ercolano, CĐV 19 tuổi của Avellino ngã từ tầng 2 trên khán đài xuống đất trong trận gặp Napoli, người ta mới ban hành một điều luật mang tên Pisanu nhằm thắt chặt hơn việc kiểm soát an ninh trên các khán đài.
Hơn 3 năm sau khi điều luật này ra đời, mọi chuyện vẫn chưa thay đổi nhiều so với trước đó. Bằng chứng là chỉ có 5/10 trận đấu thuộc vòng 23 Serie A và 2/11 trận ở Serie B cuối tuần này được phép mở cửa đón khán giả trong khi những trận đấu khác sẽ diễn ra không kèn không trống.
Vẫn còn những ultras chân chính
Tuy nhiên, không hẳn những ultras nào cũng đều là kẻ quá khích và tàn bạo. Trên thực tế, bên cạnh những kẻ cực hữu vẫn còn có những ultras chân chính, những người đến với sân bóng vì tình yêu và lòng đam mê.
Những trận đấu không khán giả liệu có giúp bóng đá Italia thoát khỏi vấn nạn bạo lực?
Nhóm ultras này chính là những người mang đến không khí sôi động trên các khán đài trong các trận đấu. Những nhóm ultras này nhận được những ưu đãi đặc biệt từ phía các CLB và luôn có mặt trong mọi trận đấu dù là sân khách hay sân nhà.
Tuy nhiên, do lực lượng không nhiều và luôn chịu lép vế trước những cuộc tấn công của những ultras cực hữu, những CĐV chân chính ngày một thưa đi trên các SVĐ. Điều đó khiến cho bóng đá Italia đang rơi vào một thứ “văn hóa” của những ultras quá khích: bạo lực!
Nhiều biện pháp mạnh tay đang được quan chức Italia áp dụng sau khi xảy ra sự cố ở Massimino. Tuy nhiên, những gì mà FIGC, CONI, Bộ Thể thao cùng các cơ quan chính phủ Italia đang thực hiện chỉ làm mất đi quyền lợi của các CLB mà không thể dập tắt làn sóng bạo lực của những kẻ quá khích.
Cách hay nhất để loại những kẻ quá khích ra khỏi những trận đấu vẫn là kiểm soát được những người vào sân và cần phải thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát an ninh ở các SVĐ, như bóng đá Anh và Tây Ban Nha đang làm rất thành công trong thời gian qua.
Theo VNN