Kết nối trực tiếp vệ tinh: Mốt mới của điện thoại thông minh

Xe++ - Ngày đăng : 07:42, 12/09/2022

(HNMO) - Mặc dù gây nhiều chú ý, thế hệ iPhone mới nhất lại chưa phải chiếc điện thoại thông minh tiên phong sở hữu khả năng liên lạc qua kết nối vệ tinh.

Khả năng giao tiếp với vệ tinh có thể giúp điện thoại thông minh trở thành thiết bị liên lạc trong tình huống khẩn cấp.

Dĩ nhiên, khả năng kết nối vệ tinh để phục vụ mục đích liên lạc không phải món mới. Lâu nay, các cơ quan chính phủ, lực lượng cứu nạn… đã tận dụng công nghệ này trong việc ứng phó các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, chi phí thường rất đắt đỏ và đòi hỏi nhiều thiết bị chuyên dụng không phổ biến. Điều này giờ đây đã thay đổi, khi hàng loạt mẫu điện thoại thông minh thế hệ mới đều được tuyên bố có sở hữu tính năng tương tự. 

Chỉ ít ngày trước khi iPhone 14 trình làng, Huawei đã giới thiệu Mate 50 gồm phiên bản “thường” và phiên bản Pro. Điểm nhấn của bộ đôi máy mới chính là khả năng gửi tin nhắn văn bản thông qua kết nối vệ tinh – sử dụng nền tảng vệ tinh Bắc Đẩu (BeiDou) của Trung Quốc. 

Về phần mình, Google đã bắt tay vào phát triển các tính năng cho phép điện thoại thông minh tương tác với vệ tinh, và dự kiến sẽ tích hợp trong hệ điều hành Android phiên bản kết tiếp. T-Mobile và SpaceX (công ty vũ trụ thuộc sở hữu tỷ phú Mỹ Elon Musk) cũng đã ký hợp tác cho phép các thuê bao di động T-Mobile sử dụng kết nối tới vệ tinh Starlink của Space X. 

Không chỉ thu hút các thương hiệu lớn, tính năng mới còn kéo theo cả những nhà sản xuất nhỏ hơn như Bullit – hãng sản xuất Anh chuyên cung cấp các dòng điện thoại siêu bền dưới thương hiệu CAT. Thực tế này cho thấy, khả năng gửi nhận thông tin qua vệ tinh trên điện thoại thông minh đã trở thành “điểm hẹn” tiếp theo trong cuộc đua tăng cường tính năng của các nhà sản xuất. 

Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu, công nghệ này có nhiều giới hạn, và chủ yếu phục vụ tình huống khẩn cấp. Theo mô tả của Apple, cơ chế liên lạc vệ tinh của iPhone 14 chỉ phục vụ mục tiêu gửi thông tin tìm kiếm sự trợ giúp của các trung tâm cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp, khi kết nối mạng viễn thông bị cắt đứt. Apple cũng cho biết, do giới hạn băng thông dữ liệu, thời gian gửi tin nhắn qua tín hiệu vệ tinh với iPhone 14 lâu hơn rất nhiều so với gửi các tin nhắn theo cách thông thường.

Sử dụng kết nối vệ tinh lúc này chưa đơn giản, và tốc độ truyền dữ liệu cũng rất chậm chạp.

Trong khi đó, những chiếc điện thoại Mate 50 của Huawei sẽ chỉ có thể gửi, chứ không thể nhận thông tin từ vệ tinh. Về phần mình, giải pháp của T-Mobile có phần tiên tiến hơn, nhưng thời gian trước mắt sẽ chỉ cho cho phép các thuê bao nhắn tin văn bản hoặc gửi đi một số hình ảnh đơn giản, không có chức năng đàm thoại hay truy cập internet. 

Ngoài giới hạn công nghệ, kết nối vệ tinh từ điện thoại thông minh cũng còn vấp phải nhiều rào cản trên tiến trình trở thành món thời thượng mới của điện thoại thông minh. Trước hết, đó chính là yếu tố pháp lý. Tính chất nhạy cảm và độ phức tạp về công nghệ của kết nối vệ tinh buộc mỗi quốc gia phải hoàn thiện được hệ thống pháp lý, cho phép quản lý hiệu quả dịch vụ mới mẻ này. Chính vì thế, ngay cả tên tuổi tầm cỡ như Apple cũng chưa thể “phổ biến” món mới ở mọi quốc gia, và lúc này, iPhone 14 mới chỉ có thể cung cấp kết nối tới vệ tinh tại Mỹ và Canada. 

Kết đến là sự đa dạng về công nghệ. Để có được kết nối vệ tinh, các nhà sản xuất điện thoại hay công ty viễn thông sẽ phải hợp tác với các công ty dịch vụ vệ tinh, tương tự như SpaceX. Ngoài ra là vô vàn các tên tuổi có xuất phát điểm là cung cấp dịch vụ điện thoại vệ tinh, nổi bật trên toàn cầu là Globalstar (Mỹ), Iridium (Mỹ), Lynk Global (Mỹ), Inmarsat, OneWeb (Anh), hay Thuraya (Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất)… Mỗi trong số họ đều ứng dụng công nghệ riêng, do đó, không dễ dàng để hợp nhất thành một tiêu chuẩn trên điện thoại thông minh.  

Cuối cùng là vấn đề chi phí. Tính năng kết nối vệ tinh – cũng giống như thuê bao điện thoại thông minh, đòi hỏi phí sử dụng. Trên iPhone 14, tính năng này chỉ được miễn phí trong 2 năm, và sẽ thu phí sau đó – dù Apple chưa hé lộ con số cụ thể. 

Nguyễn Thúc Hoàng Linh