Chung tay ngăn chặn cuộc gọi rác
Xe++ - Ngày đăng : 06:12, 13/09/2022
Cuộc gọi rác vẫn gia tăng
Chị Dương Minh Phương (xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai) phản ánh, chị thường xuyên nhận được các cuộc gọi điện giới thiệu gia sư, mời chơi chứng khoán quốc tế, mua dự án bất động sản… “Có số máy gọi liên tiếp nhiều lần, chào mời, giới thiệu sản phẩm. Tôi thật sự mệt mỏi khi phải nghe điện thoại quảng cáo như vậy”, chị Phương nói. Còn anh Phạm Anh Minh (quận Hà Đông) cho biết, ngoài quảng cáo, anh nhận được cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, dưới dạng thông báo làm thủ tục nhận bưu phẩm. “Khi tôi phản ứng, biết không dụ được, kẻ xấu văng chửi rất tục tĩu… rồi dập máy”, anh Minh kể.
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, số cuộc gọi rác phát sinh trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2021, từ mốc 48,4 triệu lên hơn 74,1 triệu. Số thuê bao bị chặn do phát tán gọi rác là hơn 113.000 thuê bao, tăng 53% so với con số gần 74.000 thuê bao bị chặn cùng kỳ năm 2021. Cơ quan quản lý xác định, trung bình mỗi tháng, có gần 400.000 thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho hay, hầu hết cuộc gọi rác có nội dung quảng cáo hoặc vì mục đích lừa đảo, xuất phát từ thuê bao chưa được định danh. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu các doanh nghiệp cùng cam kết ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác, quản lý thông tin thuê bao di động, xử lý sim có dấu hiệu kích hoạt trước. Tại lễ ký kết, lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông đều thể hiện sự quyết tâm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý thông tin thuê bao di động, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng.
Tiếp tục áp dụng biện pháp kỹ thuật
Từ năm 2020, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cùng các nhà mạng triển khai những giải pháp kỹ thuật chủ động phát hiện, ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác. Trong đó, nhận diện về đặc điểm thuê bao phát tán cuộc gọi rác là số cuộc gọi đi lớn hơn nhiều so với cuộc gọi đến; cuộc gọi có thời lượng rất ngắn, dưới 45 giây… Từ đặc điểm này, nhà mạng lọc ra thuê bao nghi ngờ phát tán cuộc gọi rác; gửi tin nhắn khảo sát đến người dùng vừa nhận cuộc gọi nghi ngờ là cuộc gọi rác để xác thực (chọn phương án trả lời “có” hoặc “không”).
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Hồng Thắng, tỷ lệ tham gia khảo sát của người dân chưa cao, trong khi việc phản hồi này là căn cứ quan trọng để xác định, xử lý thuê bao phát tán cuộc gọi rác. “Để giúp các nhà mạng sàng lọc, xử lý chính xác những cuộc gọi vi phạm cũng như giúp cơ quan quản lý có thông tin đưa ra các chế tài điều chỉnh phù hợp, người dân chỉ cần dành ra 3-5 giây gửi phản ánh khi có cuộc gọi rác”, ông Nguyễn Hồng Thắng nhấn mạnh.
Ngoài ra, khi phát hiện cuộc gọi rác, người dân có thể phản ánh qua đầu số tin nhắn 5656 và cổng thông tin https://thongbaorac. ais.gov.vn/ của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông). Trong khi đó, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo cần nâng cao ý thức chấp hành quy định, chỉ được gọi điện quảng cáo với tên định danh và không gọi cho khách hàng đã đăng ký vào danh sách từ chối.
Đại diện phía nhà mạng, Phó Chủ tịch ASIM Group (đơn vị phát triển mạng di động “ảo” Local) Trần Đức Thành cho biết, mạng di động Local cam kết ngăn chặn, xử lý sim rác và nâng cao hiệu quả quản lý thuê bao di động. Local lọc thuê bao nghi ngờ theo các tiêu chí đã được quy định và gửi tin nhắn tới người nhận để khảo sát. Từ phản hồi của khách hàng, Local sẽ chặn một chiều gọi đi và nhắc nhở thuê bao nghi ngờ.
Được biết, sau 1 tuần triển khai cam kết, các nhà mạng đã chặn được hàng nghìn cuộc gọi rác. Theo Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), từ ngày 30-8 đến 6-9, VNPT đã chặn hơn 3.200 cuộc gọi dựa trên phản hồi xác nhận của người dùng.
Cùng với giải pháp trên, cơ quan quản lý yêu cầu các nhà mạng tăng cường xử lý sim di động đã kích hoạt nhưng chưa phát sinh cuộc gọi và có khả năng bị sử dụng vào mục đích xấu. “Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra và xử phạt nhà mạng không nghiêm túc xử lý sim rác. Phải làm sạch thông tin thuê bao, tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể để người dân phải chịu gánh nặng này. Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thúc đẩy việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của các doanh nghiệp viễn thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để rà soát, bảo đảm thông tin thuê bao chính xác”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định.