Di tích Đàn Xã Tắc: Nơi kết tụ tâm linh văn hóa Việt

Xã hội - Ngày đăng : 16:46, 31/01/2007

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Đàn Xã Tắc là đàn để tế trời đất, có một vị trí và ý nghĩa lớn trong lịch sử dân tộc cũng như tâm linh người Việt. Cùng với Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc là một trong 2 đàn tế quan trọng của quốc gia quân chủ Việt Nam thời trung đại.

Đồ gốm khai quật tại khu di chỉ Đàn Xã Tắc

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, Đàn Xã Tắc là đàn để tế trời đất, có một vị trí và ý nghĩa lớn trong lịch sử dân tộc cũng như tâm linh người Việt. Cùng với Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc là một trong 2 đàn tế quan trọng của quốc gia quân chủ Việt Nam thời trung đại.

Một trong những người rất phấn khởi trước sự kiện Thủ tướng thăm di tích Đàn Xã Tắc là PGS.TS Nguyễn Văn Nhật - Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam. Tiếp chúng tôi ngày 30/1, Viện trưởng Nguyễn Văn Nhật khẳng định rằng, Đàn Xã Tắc là đàn để tế trời đất, có một vị trí và ý nghĩa lớn trong lịch sử dân tộc cũng như tâm linh người Việt.

Tế trời đất xin "hòa cốc phong đăng"

Các cuốn "Việt sử lược", "Đại Việt sử ký toàn thư - bản kỷ", quyển II và "Khâm định Việt sử thông giám cương mục chính biên", quyển III đều chép việc vua Lý Thái Tông: "Mậu Tý (Thiên Cảm Thánh Vũ) năm thứ 5 (1048) mùa thu, tháng 9… lập Đàn Xã Tắc ở ngoài cửa Trường Quảng, bốn mùa cầu đảo cho mùa màng".

Các dịch giả bộ chính sử thời Nguyễn cũng chú thích: "Xã là Đất, hay nền tế thần Đất; Tắc là thần Ngũ cốc hay nền tế thần Ngũ cốc. Xưa người ta thường gọi quốc gia là Xã Tắc. Cho nên, Xã Tắc, ngoài việc dùng để thờ cúng, còn có tác dụng tượng trưng cho một nước". Cũng vì ý nghĩa này mà khi có những biến động hay chiến tranh thì Đàn Xã Tắc luôn là mục tiêu phá hủy đầu tiên.

Với những dấu tích mà Viện Khảo cổ học khai quật thăm dò đủ để khẳng định, điểm khai quật hôm nay chính là khu vực Đàn Xã Tắc thuộc kinh thành Thăng Long, có niên đại kéo dài từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII, dù chưa thể xác định đâu là trung tâm của Đàn Xã Tắc xưa cũng như diện tích và hướng chính của di tích này.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nhật, cùng với Đàn Nam Giao, Đàn Xã Tắc là một trong 2 đàn tế quan trọng của quốc gia quân chủ Việt Nam thời trung đại. Các buổi tế lễ ở Đàn Xã Tắc và Đàn Nam Giao đều thuộc nghi lễ cấp quốc gia.

Về nhiều phương diện, Đàn Xã Tắc có ý nghĩa to lớn với quốc gia, với dân tộc hơn Đàn Nam Giao, bởi Đàn Nam Giao chỉ là nơi cầu thịnh trị cho một vương triều. Nhà Lý đã lập Đàn Xã Tắc chỉ sau chưa đầy 40 năm định đô tại Thăng Long, còn 106 năm sau, Đàn Nam Giao mới được lập.

Điều này đã cho thấy tầm quan trọng của kiến trúc tâm linh này với quốc gia Đại Việt. Đàn Xã Tắc đã được sử dụng ở Thăng Long suốt từ khi xây dựng cho tới khi nhà Nguyễn chuyển kinh đô vào Huế. Cho đến nay, đàn tế là loại hình kiến trúc đặc biệt, không nhiều ở Việt Nam.

TS Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học Việt Nam, người đã tham gia từ cuộc khảo sát đầu tiên về di tích, cho biết: Đàn Xã Tắc là tín ngưỡng quan trọng bậc nhất của quốc gia, do chính Vua đứng ra tế lễ hàng năm vào mùa xuân để nhờ trời "hòa cốc phong đăng", sau khi đã chay tịnh ở trai phòng ít nhất 3 ngày. Điều này chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của chế độ phong kiến với sản xuất nông nghiệp "trọng nông vi bản".

Di vật mới khai quật nói lên điều gì?

Các phóng viên gặp lại TS. Nguyễn Hồng Kiên, Phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), người được giao chủ trì khai quật Đàn Xã Tắc khi anh đang vùi đầu trong lán dựng tạm và hôm nay là ngày thứ 90, anh "ăn đất ngủ hầm" tại nơi khai quật di tích văn hoá cực kỳ quan trọng này.

Anh cho biết, trong lịch sử các nước, cư dân nông nghiệp trên toàn thế giới đều thờ hai vị thần Đất (Xã) và thần Ngũ cốc (Tắc). Theo TS. Nguyễn Hồng Kiên, trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” có ghi lại rằng, Đàn Xã Tắc từng bị thiên tai. Đó là vào năm 1284, đất Xã Đàn nứt ra, dài 7 thước, rộng 4 tấc, sâu không thể lường (có thể là dấu vết của trận động đất).

Còn theo “Đại Việt Thông Sử” thì vào một đêm năm 1581 có một trận mưa bão rất dữ, ở kinh đô càng mạnh hơn, cung điện trong triều đến Giao đàn, Thái Miếu và Đàn Xã Tắc đều bị đổ nát. TS. Kiên cho hay, khi khai quật "sân lễ nghi", anh và các cộng sự cũng phát hiện thấy phía dưới có lớp đất đen, có than và có chỗ bị hõm xuống cho thấy đây là những dấu vết của sự phá huỷ.

Có một điều thật ý nghĩa và thú vị là khi khai quật Đàn Xã Tắc, không chỉ phát hiện dấu tích về đàn mà địa điểm khảo cổ này còn lưu giữ nhiều di tích, di vật quý hiếm của lịch sử Hà Nội và Việt Nam. Đó là tầng văn hoá Phùng Nguyên (cách đây 3.500 năm), ngay dưới tầng Bắc thuộc, đất ở đây nhiều sét hơn, tuy nhiên đôi chỗ tầng Phùng Nguyên đã bị tầng Bắc thuộc phá vỡ. Ngoài ra là hàng nghìn di vật như rìu đá, vòng đá, gạch, ngói và đồ gốm (tiếc là đồ gốm đa phần bị vỡ vụn, có hoa văn thừng hoặc hoa văn khắc vạch, xương gốm có gốm thô và gốm mịn…).

Cho đến nay, lịch sử Thủ đô Hà Nội thời tiền sử và sơ sử vẫn còn rất nhiều khoảng trống, khảo cổ học mới chỉ có những phát hiện lẻ tẻ. Vì vậy, việc phát hiện tầng văn hóa Phùng Nguyên nằm trong di tích Đàn Xã Tắc mang một ý nghĩa lịch sử đặc biệt, vì đây là di chỉ thời đại đồ đồng đầu tiên được phát hiện ở nội thành Hà Nội. Trước phát hiện này, ở khu vực Thủ đô chỉ có hai di chỉ Triều Khúc và Văn Điển.

Trước câu hỏi vì sao một nơi linh thiêng, uy nghiêm như thế lại phát hiện có xương người khi khai quật? Đây thật sự là Đàn Xã Tắc? TS. Nguyễn Hồng Kiên giải thích, đúng là có phát hiện xương người ở Đàn Xã Tắc nhưng di cốt người xuất lộ rải rác ở nhiều chỗ, không hề có huyệt mộ, không có đầy đủ bộ phận, không có dấu vết gỗ quan tài. Điều đó cho thấy, các di cốt người không được chôn cất. Nói cách khác, đây không phải là các ngôi mộ. Đặc biệt, duy nhất có một bộ xương người được xác định là một người phụ nữ, có đồ tuỳ táng kèm theo, nhưng niên đại của tuỳ táng này lại muộn hơn, được chôn khi Đàn Xã Tắc đã không còn được dùng để tế tự… Rõ ràng, đây là Đàn Xã Tắc, là chốn linh thiêng của dân tộc một thời.

Đàn Xã Tắc và làng Xã Đàn quan hệ như thế nào?

Theo cuốn sách "Hà Nội, nửa đầu thế kỷ XX" của tác giả Nguyễn Văn Uẩn thì làng Xã Đàn mang tên gọi này là do chỗ này ngày xưa có Đàn Xã Tắc dựng từ đời Lý Thái Tông (tháng 5/1048). Địa điểm Đàn Xã Tắc xưa là một khu đất vuông cao, cạnh có hai cây gạo lớn ở phía Bắc làng, gần đê Đại La. Nền Xã Tắc đã bị phá hoại từ năm 1930, dân làng làm vườn che kín cả chỗ này.

Còn theo sử sách ghi lại thì đời Lê có một phường gọi là phường Xã Đàn, tức một trong 36 phường hợp thành kinh đô Thăng Long. Chứng cứ là trong chùa Xã Đàn hiện còn tấm bia năm 1699 cho biết chùa lập trên đất phường Xã Đàn. Lại có ý kiến khác cho rằng, tên gọi Xã Đàn ngày nay chính là cách gọi của Đàn Xã Tắc mà ra.

Niên đại của Đàn Xã Tắc Việt Nam cao hơn nhiều nước

Theo TS. Nguyễn Hồng Kiên, có ý kiến cho rằng, việc người Việt lập Đàn Xã Tắc để thờ thần đất, thần mùa màng là học theo cách của người Trung Quốc là không đúng. Vì theo tiếng Việt cổ, "tắc" là tên một loại lúa thân cao hơn 1 trượng, chín sớm nhất trong các loại lúa (vì thế "tắc" còn để chỉ chức quan trông coi phụ trách mùa màng, nông nghiệp), nên "Đàn Xã Tắc" là thờ thần lúa, thần đất là hợp lý; trong khi đó theo tiếng Hán thì "tắc" là kê. Người Trung Quốc coi đại mạch, tiểu mạch và kê là các loại ngũ cốc quan trọng và mỗi thời họ quan niệm về ngũ cốc rất khác nhau.

TS. Kiên còn cho biết, Đàn Xã Tắc ở Trung Quốc có niên đại từ thế kỷ XV, trẻ hơn nhiều so với Đàn Xã Tắc của Việt Nam (từ giữa thế kỷ XI). Đàn Xã Tắc là nơi tâm linh của mỗi dân tộc, không ai học ai.

Theo CAND

TUYETMINH