Bước đột phá trong bảo vệ vùng trời quốc gia
Xe++ - Ngày đăng : 07:11, 04/10/2022
Thiết bị thông tin quân sự “Made by Viettel”
Trước đây, huấn luyện quản lý vùng trời trên các phương tiện thủ công, người chỉ huy phải quan sát trên bảng mica tiêu đồ 9x9. Trên đó, nhân viên tiêu đồ chỉ thể hiện được một số ít thông tin liên quan đến mục tiêu, còn những thông tin về tốc độ, hướng di chuyển một cách chính xác... thể hiện hết sức khó khăn, vì các thao tác đó bị ràng buộc bởi yếu tố không gian.
Kể từ khi Việt Nam hội nhập quốc tế, ngành hàng không liên tục phát triển. Hiện trên vùng trời nước ta có khoảng 4.000 chuyến bay/ngày. Do vậy, nếu thực hiện theo cách truyền thống sẽ dẫn đến thông tin tình báo trên không bị chậm đáng kể, không còn nhiều ý nghĩa cho việc quản lý, điều hành bay; đặc biệt khi có máy bay lạ đột nhập sẽ làm lỡ thời cơ hạ lệnh cho các lực lượng chuyển cấp làm nhiệm vụ tác chiến.
Năm 1998, Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Hệ thống quản lý vùng trời. Trên cơ sở đó, Bộ Quốc phòng giao Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng, phát triển dự án Hệ thống quản lý và bảo vệ vùng trời quốc gia. Hệ thống có nhiệm vụ xử lý, cung cấp thông tin cho các cấp lãnh đạo của lực lượng phòng không - không quân nói riêng và quân đội nói chung về mọi tình huống diễn ra trên không, nhằm bảo đảm cho việc ra quyết định một cách chính xác và hiệu quả. Hệ thống gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 nghiên cứu xây dựng, triển khai một hệ thống tự động hóa, thực hiện chức năng cảnh giới vùng trời quốc gia; giai đoạn 2 nghiên cứu xây dựng, phát triển Hệ thống tự động hóa chỉ huy, điều hành tác chiến phòng không - không quân hiện đại, để thực hiện chức năng bảo vệ vùng trời quốc gia.
Năm 2012, nhóm kỹ sư trẻ của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel nhận nhiệm vụ chế tạo hệ thống cảnh giới và bảo vệ vùng trời quốc gia giai đoạn 1 (VQ1-M), công nghệ mà trước đó chưa một đơn vị nào thực hiện. Chỉ sau 2 năm, hệ thống VQ1-M đã được nghiệm thu thành công cấp Bộ Quốc phòng.
Ngày 8-1-2015, hệ thống VQ1-M chính thức hoạt động phục vụ quốc phòng Việt Nam. Sự kiện đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống công nghệ cao do chính doanh nghiệp trong nước làm chủ và sản xuất đưa vào trang bị phục vụ quân sự.
Đánh giá về hệ thống VQ1-M, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Chí, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân cho rằng, đây là một hệ thống tự động hóa tương đối đầy đủ, hiện đại trong lĩnh vực cảnh giới và quản lý vùng trời quốc gia; đánh dấu một bước chuyển đổi mới, căn bản, mang tính đột phá về phương thức thu thập, xử lý, thông báo, báo động tình hình trên không cho tác chiến phòng không - không quân. Thông tin về tình hình trên không được quản lý, thông báo đầy đủ, kịp thời, chính xác, tin cậy và gần như tức thời; quản lý đồng thời số lượng mục tiêu lớn, mật độ cao...
Thiếu tá Lê Trần Sự, Giám đốc Trung tâm Chỉ huy điều khiển (Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel) cho biết, hệ thống VQ1-M đã tạo ra bức tranh toàn cảnh tình hình trên không với thời gian gần như thời gian thực. Tình hình trên không sau đó sẽ được phân phối đến tất cả các đầu mối có nhu cầu sử dụng là hệ thống sở chỉ huy phòng không các cấp trong toàn quân. Hệ thống VQ9801 được sử dụng trước đó chỉ nằm ở khu vực miền Bắc; các thiết bị (phần cứng và phần mềm) đều do nước ngoài cung cấp. Khi có hệ thống VQ1-M, quân đội có thể tích hợp kết quả của tất cả các phương tiện trinh sát. Trước Việt Nam, chỉ có 8 quốc gia có nền công nghệ và tiềm lực kinh tế đủ khả năng nghiên cứu chế tạo thành công sản phẩm có tính năng tương tự.
Thiếu tá Lê Trần Sự nhấn mạnh: “Bất kỳ vũ khí trang bị phải nhập khẩu từ nước ngoài đều ẩn chứa sự phụ thuộc khi hỏng hóc hay nâng cấp. Việc làm chủ công nghệ từ thiết kế nguyên lý, đến viết phần mềm điều khiển toàn bộ hoạt động của hệ thống chỉ huy điều khiển có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ về mặt kinh tế, kỹ thuật, mà lớn hơn là giữ được bí mật quân sự”.
Hướng tới trang bị cho toàn quân
Năm 2016, các kỹ sư của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel bắt tay vào nghiên cứu hệ thống VQ2. Ở giai đoạn này, các kỹ sư gặp khó trong quá trình ứng dụng công nghệ vào hệ thống chỉ huy điều khiển. Bởi, đây là việc làm phức tạp, đòi hỏi lượng tri thức lớn của những người lập trình. Muốn xây dựng hệ thống chỉ huy điều khiển thông minh phải áp dụng lý thuyết toán học, lập trình thuật toán xử lý thông tin. Khi dữ liệu trả về, hệ thống phải phân tích và hiểu được đâu là mục tiêu thật, đâu là nhiễu...
Sau 2 năm miệt mài nghiên cứu, các kỹ sư của Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel một lần nữa đã chế tạo thành công hệ thống VQ2. Tính đến nay, hệ thống đã được triển khai lắp đặt cho 150 đầu mối của Quân chủng Phòng không - Không quân trải dài trên khắp mọi miền Tổ quốc, từ biên giới đến hải đảo... Ngoài ra, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel cũng đã triển khai Hệ thống VQ cho Cục Tác chiến điện tử, Lục quân và đều được các đơn vị này đánh giá cao.
Chia sẻ về định hướng phát triển hệ thống VQ trong thời gian tới, Thiếu tá Lê Trần Sự cho biết, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel hướng tới phát triển các hệ thống chỉ huy điều khiển, chú trọng vào các yếu tố: Kiến trúc mở, khả năng mở rộng hệ thống lớn, có khả năng tích hợp các đơn vị tác chiến khác nhau, truyền thông tin và giao mệnh lệnh đến từng người lính, kết nối các trang thiết bị vào hệ thống, nhằm bảo đảm khả năng phối hợp tác chiến thời gian thực. Dự kiến trong năm 2022, Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel sẽ hoàn thành hệ thống VQ cho Hải quân và đến 2025 sẽ trang bị hệ thống VQ cho toàn quân.