Cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò
Xã hội - Ngày đăng : 07:56, 29/01/2007
Di tích Nhà tù Hỏa Lò hôm nay. Ảnh: VT
Những năm đầu “đi vào hoạt động”, nhà tù Hỏa Lò thực sự là một cái hỏa lò ! Về mùa hè, trời nóng như thiêu như đốt. Từ trên cao, mặt trời đổ lửa xuống, những bức tường đá không cho một ngọn gió lọt vào. Chín, mười giờ đêm, hơi nóng từ sân xi măng vẫn bốc lên hầm hập. Trong các trại giam, tù nằm chen chúc, hơi người ngột ngạt...
Không biết người nào trong số những tù lao dịch khổ sai bên khu vườn hoang sau tòa án đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non và xin được trồng trong sân nhà tù lấy bóng mát. Thấy cũng có lợi, giám thị đề lao gọi điện cho Sở ươm cây và trồng hoa. Từ đấy, trong sân nhà tù Hỏa Lò lần lượt mọc lên những cây bàng. So với bàng trồng trên sân đình, đền, sân trường học... xum xuê tươi tốt thì những cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò, hàng chục năm tuổi vẫn gầy guộc khẳng khiu.Nhưng với người tù Hỏa Lò, những cây bàng là bạn bè vô cùngthân thiết.
Về mùa hè, tán bàng xòe lá làm dịu mát không khí ngột ngạt trong đề lao. Cây bàng là nguồn cung cấp vi-ta-min (búp non, nhân trong quả bàng chín...), là nguồn dược liệu (lá bánh tẻ sau khi hơ nướng dùng để chườm, bóp những chỗ đau, vỏ cây được sắc uống chữa khỏi bệnh đường ruột...). Cành bàng khô rụng xuống cũng được người tù tận dụng làm quản bút, làm đũa...
Anh Nguyễn Đình Cần, một cựu tù chính trị Hỏa Lò có nhiều kỷ niệm gắn bó và viết nhiều bài về những cây bàng trong nhà tù. Nhưng tha thiết đến mức “mang ơn” những cây bàng là anh Nguyễn Sĩ Huynh, quê Đà Nẵng, năm 1943 bị Pháp bắt đưa ra xét xử tại tòa án quân sự Hà Nội. Ngay khi vừa bước vào trại giam, nhóm các anh được đón tiếp niềm nở. Trong hồi ký của mình, anh Huynh kể lại:Điều gây cho tôi ấn tượng rất mạnh là được ăn mấy quả bàng chín. Hỏi ra mới biết trong nhà tù Hỏa Lò có một số cây bàng vừa che nắng mùa hè vừa cho quả chín mùa đông làmthuốctrịbệnhsuydinhdưỡng cho anhem tù nhân mới ốm dậy. Thật cảm động, khi những tù mới đến là chúng tôi được món quà đãi đặc biệt này.
Anh Huynh bị sốt cao liên miên, nằm ba tháng ở bệnh xá. Viên y sĩ người Pháp đã ra lệnh đưa anh xuống nhà xác. Nhưng anh vẫn sống ngắc ngoải, có đêm bị chuột cắn vào tai, đau quá kêu ầm lên, và sau một tuần, chính viên y sĩ người Pháp lại cho Huynh về bệnh xá. Huynh kể: Anh em trong trại được tin, đã gửi cho tôi thuốc và đặc biệt gửi cho nhiều quả bàng chín. Lúc đó quả bàng đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh” giúp tôi hồi phục dần dần. Theo quy định của Ban sinh hoạt, anh em tù nhặt, rửa sạch những quả bàng chín, chuyển cho tổ y tế bảo quản và phân phối theo yêu cầu bồi dưỡng bệnh nhân ốm yếu. Mỗi ngày, Huynh được nhận từ 4 đến 5 quả bàng chín, ăn cả vỏ lẫn nhân. Người bạn tù cùng bị dẫn giải từ Đà Nẵng ra với anh Huynh là Nguyễn Đậu Tân bị tê phù không đi lại được cũng nhờ anh em chăm sóc bằng rau giá làm từ đỗ xanh và những quả bàng chín, đã dần dần hồi phục, đi lại bình thường.
Những cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò còn góp phần không nhỏ lập baochiến công âm thầm trong các cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù. Có gốc bàng là địa điểm hội ý chớp nhoáng, có gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật, là... “sân bay” của những chuyến “hàng” từ ngoài đường phố đáp vào. Cây bàng nhận nhiệm vụ vinh quang này nhiều lần nhất nằm trong sân sau trại nữ, gần nhà để máy chém, gần tường giam (phố Thợ Nhuộm). Tất nhiên, đây là công việc nguy hiểm, mỗi lần tiến hành là một cuộc chuẩn bị công phu chu đáo. Vậy mà đã có lần người bên ngoài ném qua tường giam vào cho anh em tù cả thư chúc tết, bánh, kẹo, thuốc lào...Tối hôm ấy anh em liên hoan mừng xuân. Chỉ một số ít người biết và kín đáo gọi đây làbữa “tiệc tàu bay”. Rất tiếc, cây bàng lịch sử này không còn nữa, Ban quản lý di tích đã trồng thế vào chỗ này một cây bàng mới.
Cây bàng duy nhất của nhà tù Hỏa Lò còn đến hôm nay,đãngót trăm tuổi, mọc ở sân trại J, nay ở phía sau, bên phảikhudi tích, sát hàng rào Tháp Hà Nội. Được chăm sóc, cây bàng xanh tươi, lớn gấp nhiều lần những cây bàng “đồng tuế” đã khuất.
Lê Văn Ba