Văn Quyến đối mặt với bản án 3-10 năm tù

Thể thao - Ngày đăng : 14:55, 25/01/2007

Sáng nay 25/1, TAND TP.HCM mở phiên toà hình sự sơ thẩm, xét xử các bị cáo Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh và nhóm cầu thủ U23, bị truy tố về các tội danh Đánh bạc, quy định tại điều 248 và Tổ chức đánh bạc, quy định tại điều 249, Bộ luật hình sự. Theo tội danh và điều luật đã viện dẫn, Phạm Văn Quyến và nhóm cầu thủ bán độ có thể bị tuyên phạt từ 3-10 năm tù.

Sáng nay 25/1, TAND TP.HCM mở phiên toà hình sự sơ thẩm, xét xử các bị cáo Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh và nhóm cầu thủ U23, bị truy tố về các tội danh Đánh bạc, quy định tại điều 248 và Tổ chức đánh bạc, quy định tại điều 249, Bộ luật hình sự. Theo tội danh và điều luật đã viện dẫn, Phạm Văn Quyến và nhóm cầu thủ bán độ có thể bị tuyên phạt từ 3-10 năm tù.

Cuối buổi sáng nay, phiên xét xử vụ án bán độ tại SEA Games 23 đã tạm nghỉ sau khi công bố bản Cáo trạng của Viện KSND Tối cao, truy tố Phạm Văn Quyến và các đồng phạm về hành vi Tổ chức đánh bạc theo điểm b, khoản 2, điều 249, BLHS. Theo tội danh và điều luật đã viện dẫn, Phạm Văn Quyến và nhóm cầu thủ bán độ có thể bị tuyên phạt từ 3-10 năm tù.  

Tuy nhiên, do được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như thái độ khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả, có đóng góp, cống hiến….các bị cáo có thể được hưởng mức án thấp hơn khung hình phạt nêu trên. 

Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Trần Hải Lâm…đều có thái độ khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội của bản thân, do vậy, phần thẩm vấn diễn ra khá nhanh chóng. 

Phiên toà được đặc biệt chờ đợi

Không phải các thành viên trong HĐXX, cũng không phải các bị cáo mà lực lượng cảnh sát bảo vệ, người hâm mộ và cánh phóng viên mới là những người đầu tiên có mặt tại khuôn viên TAND TP.HCM trong sáng nay.

Mới 7h sáng, tức là 1h trước khi diễn ra phiên xét xử, lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp cùng các nhân viên bảo vệ TAND TP.HCM đã triển khai công tác bảo vệ phiên xét xử.

Hàng trăm nhà báo và đông đảo người dân TP.HCM cũng có mặt tại khu vực toà án từ rất sớm để theo dõi phiên toà.

Theo thông báo của Toà Hình sự, TAND TP.HCM, các bị cáo được yêu cầu có mặt tại phòng xử án vào lúc 7h30’.

8h kém, bị cáo đầu tiên là Phạm Văn Quyến xuất hiện tại cổng TAND TP. HCM. Quyến đi cùng luật sư của mình là ông Phạm Liêm Chính.


Chủ toạ Lê Văn Ban.

Theo sau bị cáo là mạ Niềm, người mẹ một thời khổ đau của bị cáo, từ Nghệ An khăn gói vào TP.HCM tham dự phiên xét xử con trai mình.

5 phút sau, toàn bộ 6 bị cáo được tại ngoại gồm Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, Lê Bật Hiếu, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Văn Trương, Trần Hải Lâm và 2 bị cáo đang bị giam cứu là Lê Quốc Vượng, Trương Tấn Hải xuất hiện trước vành móng ngựa và lập tức bị bao vây bởi một rừng máy ảnh của các phóng viên.

Phía dưới phòng xử án, mạ Niềm cùng người nhà các bị cáo cũng tự thu xếp cho mình chỗ ngồi để tham dự phiên xét xử.

Dù phiên toà chưa diễn ra nhưng nhiều người trong số họ đã không cầm được nước mắt.

Một nhân chứng được triệu tập đến phiên toà là ông Lê Thuỵ Hải, nguyên HLV phó đội tuyển vắng mặt tại phiên xét xử.


Các nhân chứng Hoàng Thương, Tài Em và cựu trợ lý Hùng Cường.

Các nhân chứng Phạm Hùng Cường, trợ lý ngôn ngữ; Phan Văn Tài Em, đội trưởng; Nguyễn Hoàng Thương, cầu thủ và bạn gái của bị cáo Lê Quốc Vượng là cô Phan Thị Cẩm Lai- người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đã có mặt tại phòng xử án theo giấy triệu tập.

8h13’, phiên toà khai mạc.

Theo quyết định của Chánh án TAND TP.HCM, phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Phạm Văn Quyến và các đồng phạm về hành vi bán độ tại SEA Games 23 do thẩm phán Lê Văn Ban làm Chủ toạ; các Hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Doanh, cán bộ Sở Y tế TP.HCM và bà Võ Thị Nam, luật gia thuộc Hội Luật gia TP.HCM.


Toàn cảnh phiên toà.

Đại diện Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên xét xử bắt đầu công bố bản Cáo trạng dài 17 trang, truy tố bị cáo Lê Quốc Vượng về tội Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc; truy tố 7 bị cáo Trương Tấn Hải, Phạm Văn Quyến, Lê Bật Hiếu, Huỳnh Quốc Anh, Trần Hải Lâm, Lê Văn Trương và Châu Lê Phước Vĩnh về tội Tổ chức đánh bạc.

Quốc Vượng vẫn tỏ ra ngoan cố

Lần lượt các cầu thủ đứng lên để xác nhận nhân thân của mình. Bắt đầu những câu hỏi đáp, từng người một và buổi thẩm vấn các bị can và đương sự liên quan trong vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc của U23 Việt Nam tại SEA Games 23 diễn ra trong không khí rất nặng nề.

Từ trợ lý Trần Hùng Cường, Tài Em, Hoàng Thương, Phạm Thị Cẩm Lai đến các cầu thủ trực tiếp tham gia dàn xếp thắng U23 Myanmar 1-0 như Văn Quyến, Hải Lâm, Văn Trương... đều trả lời trôi chảy các câu hỏi của chủ tọa và bồi thẩm đoàn liên quan đến diễn biến, tình tiết sự việc. Về cơ bản, tất cả đều xác nhận những thông tin mà cơ quan điều tra cũng như Viện kiểm sát nhân dân đã kết luận trong bản cáo trạng về vụ án.Văn Quyến là người "được" hỏi nhiều nhất và cuộc thẩm vấn Quyến giống hệt một cuộc kiểm điểm kỷ luật của thầy cô giáo đối với một học sinh hư phạm lỗi. Trước những câu hỏi như việc "Có nhớ lúc nhận Quả bóng Vàng Việt Nam không?", "Có nhớ lúc ký hợp đồng quảng cáo hay không?", "Có biết bao nhiêu lần phạm lỗi mà được bao che, tha thứ không?"..., Quyến cúi đầu và luôn miệng lí nhí trả lời đúng một từ: "Có".

Lý giải về việc nhúng chàm trước tòa, Quyến nói rằng do trẻ, bồng bột nên phạm sai lầm. "Bị cáo biết tội của mình và rất ân hận. Bị cáo chỉ mong được thứ tha và nhận được sự khoan hồng của pháp luật".

Trong số các bị can và đương sự liên quan, duy chỉ có Quốc Vượng là vẫn có một số chi tiết quanh co và không đáp ứng được các câu hỏi thẩm vấn của bồi thẩm đoàn. Vượng vẫn chưa thành thật và có những câu trả lời của cầu thủ này bị chủ tọa phiên tòa vặn lại khiến cả khán phòng rộ lên. Ngoài số tiền 490 triệu tiền "chung độ" (240 triệu trả công 8 cầu thủ tham gia đá thắng 1-0 (nhưng chỉ có 7 cầu thủ) và 250 triệu tiền Vượng đánh thêm), Vượng không lý giải được.


Bị cáo Lê Quốc Vượng

Chiều nay, 25/1, đại diện Viện Kiểm sát sẽ công bố bản Luận tội và đề nghị mức án đối với 8 bị cáo.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật diễn biến của phiên toà trong những bản tin tiếp theo.

Theo bản Cáo trạng số 04/VKSTC-V1A của Viện KSND Tối cao, 7 bị cáo gồm Quốc Vượng, Hải Lâm, Văn Trương, Văn Quyến, Bật Hiếu, Châu Lê Phước Vĩnh và Huỳnh Quốc Anh đã bàn bạc, dàn xếp tỷ số trận đấu để U23 Việt Nam chỉ thắng U23 Myanmar với tỷ số cách biệt 1 bàn.

Nếu thực hiện theo đúng giao kèo này, mỗi cầu thủ sẽ nhận được từ 20-30 triệu đồng.

Sau khi có được sự đồng ý của Hải Lâm, Văn Quyến…Quốc Vượng đã liên lạc từ Philippines về Việt Nam, thống nhất với Trương Tấn Hải về việc bán độ trận đấu.

Ngoài số tiền 20-30 triệu đồng cho mỗi cầu thủ bán độ, Quốc Vượng còn độ riêng 250 triệu đồng vào cửa Myanmar.

Sau khi trận đấu kết thúc, Trương Tấn Hải đã nhận 25.000 USD và 90.000.000 VND từ trùm độ Lý Quốc Kỳ, quy đổi ra tiền Việt Nam là 490 triệu đồng để thanh toán tiền độ cho Quốc Vượng.

Trong số tiền này, Lý Quốc Kỳ trả cho mỗi cầu thủ bán độ 30 triệu đồng nhưng Quốc Vượng đã ăn chặn của các đồng đội và chỉ trả cho mỗi người 20 triệu đồng.

Quốc Vượng cũng mới trả tiền cho Văn Quyến, Bật Hiếu, Quốc Anh và Phước Vĩnh; Lê Văn Trương và Trần Hải Lâm chưa nhận tiền độ.

Cáo trạng của Viện KSND Tối cao được công bố tại phiên toà truy tố 8 bị cáo: Lê Quốc Vượng, Trương Tấn Hải, Phạm Văn Quyến, Lê Bật Hiếu, Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Văn Trương và Trần Hải Lâm về tội Tổ chức đánh bạc theo điểm b, khoản 2, điều 249, BLHS.

Với tội danh và điều luật viện dẫn nêu trên, Phạm Văn Quyến và các đồng phạm có thể bị phạt từ 3-10 năm tù.

Riêng bị cáo Lê Quốc Vượng bị truy tố thêm về tội Đánh bạc theo điểm b, khoản 2, điều 248 với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.

Sau khi vị đại diện Viện Kiểm sát thực hiện quyền công tố tại phiên toà công bố bản Cáo trạng, vào cuối giờ làm việc buổi sáng, HĐXX đã chuyển sang phần thẩm vấn các bị cáo.

Theo thông báo của thư ký phiên toà, danh sách luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị cáo tại phiên toà gồm:


Tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Phạm Văn Quyến tại phiên xét xử là luật sư Phạm Liêm Chính, Đoàn luật sư TP.Hà Nội.

Bào chữa cho bị cáo Lê Quốc Vượng là luật sư Nguyễn Đình Thơ, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hoà.

Luật sư Vũ Công Dũng và luật sư Nguyễn Văn Chiến bào chữa cho bị cáo Lê Văn Trương.

Luật sư Nguyễn Quốc Minh, Đoàn luật sư tỉnh Bình Phước bào chữa cho bị cáo Trương Tấn Hải và Trần Hải Lâm.

Luật sư Đỗ Pháp, Đoàn luật sư Đà Nẵng bào chữa cho bị cáo Châu Lê Phước Vĩnh.

Luật sư Hà Đăng, Đoàn luật sư TP.Hà Nội bào chữa cho bị cáo Lê Bật Hiếu.

Luật sư Huỳnh Ngọc Lộc, Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Huỳnh Quốc Anh tại phiên xét xử.

Theo VTC

HA OANH