Tóc bốc khói có thể do rối loạn thần kinh thực vật

Xã hội - Ngày đăng : 21:19, 23/01/2007

Thạc sĩ Tạ Văn Sang thuộc Trung tâm Y dược Tinh Hoa khẳng định đã gặp và điều trị cho vài trường hợp đầu bốc khói tương tự em Hoa ở Nam Định. Đây là những người bị rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn vận mạch ở vùng đầu.

Thạc sĩ Tạ Văn Sang thuộc Trung tâm Y dược Tinh Hoa khẳng định đã gặp và điều trị cho vài trường hợp đầu bốc khói tương tự em Hoa ở Nam Định. Đây là những người bị rối loạn thần kinh thực vật, dẫn đến rối loạn vận mạch ở vùng đầu.

Hiện tượng khói bốc lên từ mái tóc của em Hoa, nữ sinh người Nam Định, được coi là kỳ lạ. Có nhà khoa học cho rằng nguyên nhân liên quan đến yếu tố tâm linh, thậm chí có người bảo do "một lực lượng âm" nhập vào. Có nhà khoa học lại cho rằng đó là kết quả của phản ứng hóa học trên tóc. Còn theo thạc sĩ Tạ Văn Sang, người có chuyên môn cả về Đông và Tây y, hiện tượng bốc khói ở vùng đầu tuy ít gặp nhưng không phải là bí ẩn. Trong rất nhiều bệnh nhân rối loạn thần kinh thực vật và tuần hoàn não điều trị ở Trung tâm Y dược Tinh Hoa (14 Nguyễn Như Đổ, Hà Nội), một số người cũng bị như vậy, chủ yếu là các em gái tuổi dậy thì và phụ nữ tiền mãn kinh. Trường hợp của em Hoa, theo ông Sang, cũng có bản chất tương tự.

Hệ thần kinh thực vật chỉ đạo những hoạt động ngoài ý muốn của cơ thể như nhịp tim, cảm giác nóng lạnh, điều tiết thân nhiệt, ra mồ hôi, co giãn mạch... Nó bao gồm hai hệ thống đối lập nhau là giao cảm (làm tăng nhịp tim, thân nhiệt) và phó giao cảm (làm chậm nhịp tim, giảm thân nhiệt). Chúng luôn cân bằng để giữ cho cơ thể hài hoà.

Ở những trường hợp đầu bốc khói, sự cường giao cảm làm tăng thân nhiệt tại chỗ, gây rối loạn vận mạch dưới da đầu. Các mạch máu co thắt không đều gây rối loạn tuần hoàn não, khiến bệnh nhân đau đầu dữ dội. Cường giao cảm làm tăng nhiệt độ tại chỗ. Vùng đầu là nơi có rất nhiều mạch máu nên nhiệt độ càng dễ tăng cao (trong những bệnh nhân ông Sang từng khám, có người lên tới 40,5 độ C). Khi đó, thần kinh thực vật tự điều chỉnh làm giãn mạch, mở các tuyến chân lông (ở đầu là chân tóc) để thoát nhiệt ra ngoài, và khói sẽ xuất hiện.

"Khói ở đây là hơi nước bốc lên chứ không phải do cái gì bốc cháy cả" - thạc sĩ Sang nói - "Trường hợp của cháu Hoa do tóc dài và dày nên người ta thấy khói bốc ra từ ngọn tóc".

Những trường hợp đau đầu kiểu này thường không do các tổn thương thực thể. Sau cơn đau, người bệnh lại thấy khỏe khoắn như thường, như trường hợp của em Hoa. Cơn đau đến khi hàm lượng prostaglandin trong cơ thể tăng. Khi chất này giải phóng hết, cơn đau nhanh chóng chấm dứt. Đây là bệnh cơ năng nên các xét nghiệm sẽ không cho kết quả gì khác thường.

"Cũng vì không có tổn thương cụ thể nên Tây y thường không để ý đến loại bệnh này, cách điều trị chỉ là uống thuốc giảm đau để khắc phục triệu chứng. Nhưng với Đông y, việc điều trị lại cho kết quả tốt" - bác sĩ Sang nói.

Theo Đông y, khi chưa trưởng thành thì "âm thường bất túc, dương thường hữu dư", tức là phần dương luôn chiếm ưu thế, mà dương thực thì sinh nhiệt, nhiệt thịnh thì hoá hoả, gây các cơn bốc nóng, đau đầu. Bệnh như em Hoa chính là hiện tượng này. Nếu không điều trị, bệnh cũng sẽ hết khi các em gái thực sự trưởng thành về mặt sinh học, và trong thời gian đó, các cơn đau đầu sẽ nhiều lần xuất hiện và làm cho các em ảnh hưởng nhiều đến học tập, sinh hoạt.

Việc điều trị nhằm mục đích chấm dứt các cơn đau đầu (vì hiện tượng bốc khói không có hại gì). Theo bác sĩ Tạ Văn Sang, với phép chữa tiềm dương hạ hỏa, sau khoảng 1-2 tuần, các cơn đau đầu sẽ chấm dứt. Sau đó, bệnh nhân nên dùng thuốc đến hết tuổi dậy thì để duy trì kết quả này. 

Tuy nhiên, việc điều trị dài hay ngắn cũng tùy thuộc vào từng ca bệnh cụ thể. Bác sĩ Sang khẳng định Trung tâm Y dược Tinh Hoa sẵn sàng khám và điều trị miễn phí cho em Hoa để em hết các cơn đau đầu và không còn lo lắng về chuyện mái tóc bốc khói nữa.

Theo Vnexpress

*Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi

NGOHUONG