Tiến tới sử dụng xe buýt năng lượng xanh
Xe++ - Ngày đăng : 06:40, 04/11/2022
Tuyến xe buýt điện D4 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus đầu tư, đưa vào vận hành từ tháng 3-2022 được xem là bước khởi đầu cho quá trình phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường của ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh.
Chị Mai Huyền Thu (thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, suốt hơn 7 tháng qua, chị đã chọn xe buýt điện để di chuyển vào quận 1 làm việc. Chị rất hài lòng bởi sự hiện đại, tiện ích trên xe, với hệ thống wifi miễn phí, có máy điều hòa nhiệt độ, chỗ ngồi rộng. “Tôi mong thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng thêm nhiều tuyến buýt điện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, chị Thu bày tỏ.
Theo Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus, đến nay, thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới thí điểm tuyến buýt điện D4 (Vinhome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn) với cự ly 29km, tần suất khoảng 15 phút/chuyến; giá vé chung là 7.000 đồng/lượt, đối với học sinh, sinh viên là 3.000 đồng/lượt. Dự kiến, cuối năm 2022 sẽ thêm 4 tuyến buýt điện của Vinbus được đưa vào khai thác, gồm các tuyến: Vinhome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart, dài 27km; Vinhome Grand Park - sân bay Tân Sơn Nhất, dài 30km; Vinhome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới, dài 8,5km và Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia, dài 10km.
Mới đây, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét lựa chọn sử dụng xe điện cho tuyến buýt nhanh (BRT) số 1, chạy dọc hành lang Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ, dài 26km. Theo kế hoạch, tuyến buýt nhanh này sẽ đưa vào khai thác năm 2024.
Theo Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh, xe chạy bằng điện phù hợp với mục tiêu và lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane của ngành Giao thông - Vận tải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022. Đồng thời, việc sử dụng xe buýt điện cho tuyến xe buýt nhanh phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng xanh trên địa bàn thành phố.
Trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với lĩnh vực giao thông đô thị, thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu, từ năm 2025 có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50% và 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050 có 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh..
Để hoàn thành mục tiêu trên, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh giao Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tham mưu Sở xây dựng định mức dự toán, đơn giá cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt điện nhằm tạo cơ sở phục vụ công tác đấu thầu hoặc đặt hàng theo quy định của pháp luật hiện hành khi đưa xe buýt điện vào khai thác từ năm 2025.
Hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh có 128 tuyến xe buýt đang hoạt động. Trong đó có 91 tuyến xe buýt có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá. Tổng số xe buýt đang lăn bánh hơn 2.100 chiếc, trong đó có 496 xe sử dụng khí nén thiên nhiên (CNG) và 25 xe buýt điện.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, mục tiêu giảm khí thải từ giao thông, phát triển giao thông xanh là chủ trương chung của thành phố Hồ Chí Minh. Việc mở mới tuyến xe buýt sử dụng năng lượng điện là bước khởi đầu quan trọng cho sự chuyển đổi về phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông, góp phần bảo vệ môi trường. Đồng thời, thay đổi thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân của người dân sang phương tiện giao thông công cộng xanh, thân thiện với môi trường.