Bước ngoặt về đầu tư cho khoa học và công nghệ

Xe++ - Ngày đăng : 06:21, 08/11/2022

(HNM) - Để khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa đề xuất tiết giảm thủ tục hành chính, tài chính; tăng khung thời gian thực hiện chương trình, thậm chí chấp nhận rủi ro... Đây là những thay đổi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt về mặt quan điểm đầu tư, quản lý hoạt động khoa học và công nghệ.

Sinh viên Khoa Vật liệu (Trường Đại học Phenikaa) trong giờ thực hành thí nghiệm.

Cơ cấu lại các chương trình với nhiều điểm mới

Đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt 17 Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia giai đoạn 2021-2025 và 2021-2030; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 16 chương trình.

Để góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ trong trung hạn và dài hạn, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành cơ cấu lại các chương trình với nhiều điểm mới. Đó là, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Chú trọng thu hút nguồn lực xã hội, nhất là từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp để đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra. Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia bảo đảm không trùng lặp về nội dung nghiên cứu và phân bổ nguồn lực, có sự kết nối, liên thông; có tính ứng dụng cao đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội trong phạm vi cả nước; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng.

Hoạt động khoa học và công nghệ có nhiều tính đặc thù nên việc tăng khung thời gian thực hiện một số chương trình từ 5 năm lên 10 năm và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu là những thay đổi quan trọng, đánh dấu bước ngoặt về mặt quan điểm đầu tư cho khoa học cũng như trong quản lý hoạt động khoa học và công nghệ. Hiện tại, ngoài việc có quá nhiều thủ tục hành chính về thanh quyết toán để “bảo toàn vốn của Nhà nước” thì việc xử lý các tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ (quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước) khiến cả nhà khoa học và các doanh nghiệp đều lúng túng. Bởi, các thủ tục để thực hiện theo Nghị định số 70/2018/NĐ-CP rất phức tạp, thậm chí không khả thi trong nhiều trường hợp.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Nam Hải, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất cần công nghệ, hoạt động đổi mới công nghệ còn yếu thì việc đầu tư cho nghiên cứu để rồi lúng túng trong xử lý tài sản, chuyển giao đã gây nên sự lãng phí nguồn lực.

Công khai, minh bạch trong thực hiện

Để đưa ra được chính sách phù hợp, đòi hỏi những thay đổi không chỉ từ Bộ Khoa học và Công nghệ mà còn cần cả “sự thấu hiểu” của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu theo thông lệ quốc tế có nghĩa là sẽ phải sửa đổi hàng loạt các văn bản quản lý chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tháo gỡ các vướng mắc cả về thủ tục phức tạp trong xét duyệt đề tài, thanh quyết toán cho đến xử lý tài sản hình thành từ đề tài để chuyển giao hoặc hoàn trả lại cho Nhà nước. Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, ở các nước khác, cơ quan quản lý không coi tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ là tài sản công mà Nhà nước quản lý, coi đó là đầu tư nghiên cứu nâng cao năng lực của hệ thống khoa học và không thu lợi trực tiếp từ việc phân chia lợi nhuận. Còn nếu đã giao cho doanh nghiệp thì Nhà nước thu tiền thuế khi sáng chế đó được thương mại hóa.  

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, thay thế các thông tư cũ trong quy trình xét duyệt, chi tiêu và hoàn thiện thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi để thay thế Nghị định số 70/2018/NĐ-CP.

Để các kết quả, đề tài nghiên cứu được minh bạch, công khai và gắn với trách nhiệm giải trình của các nhà khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu, triển khai áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Với đặc thù của hoạt động nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn nhận được sự chia sẻ của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà quản lý khoa học và công nghệ, chấp nhận tính rủi ro, độ trễ của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Thu Hằng