Điểm dối lừa
Văn hóa - Ngày đăng : 08:31, 22/01/2007
Câu chuyện bắt đầu từ sự xuất hiện của một tảng thiên thạch mà cơ quan nghiên cứu vũ trụ Mỹ (NASA) cho rằng họ đã tìm ra. Điều đáng nói là trong tảng thiên thạch nặng 8 tấn nằm dưới lớp băng sâu 200 foot kia người ta phát hiện ra dấu vết của nhiều sinh vật. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà khoa học kết luận “đã có một hành tinh ngoài Trái Đất đang tồn tại sự sống”. Nếu chứng minh được điều đó, NASA quả đã có một phát hiện động trời. “Phát hiện” ấy cũng là điều các chính trị gia Hoa Kỳ muốn có để “đánh bóng” cho cuộc tranh cử tổng thống. Nước Mỹ vốn nổi tiếng về các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và cách quảng bá tốt nhất là tận dụng các ưu thế về khoa học, kinh tế, quân sự… Thế là một cuộc chiến tranh thầm lặng nhưng quyết liệt giữa các thế lực bắt đầu.
NASA hiển nhiên là công cụ của các thế lực thân cận Nhà Trắng và có vẻ như họ đang “nắm đằng chuôi” trong cuộc chạy đua. Nhưng cô gái trẻ đẹp Rachel Sexton, người của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NRO), cùng các cộng sự quyết tâm làm rõ bí mật này (thực thi bí mật theo yêu cầu của J. Herney, ứng cử viên tổng thống). Điều trớ trêu là bố của Rachel, ông Sedgewick Sexton - một thượng nghị sĩ, cũng đang có ý đồ tranh cử. Nhưng giữa hai bố con họ chẳng hề “đồng hội đồng thuyền” và cô con gái rượu đã từng thẳng tay tát bố mình trước khi có một cuộc họp báo rất quan trọng (tr. 498)…
Sự thật mà nhóm của Rachel, Mangor, Tolland, Corky tìm ra rất bất ngờ. Tảng thiên thạch kia chỉ là của dỏm bởi người ta đã phát hiện ra một số quan chức NASA đã bí mật dùng công nghệ đẩy được tảng đá từ dưới đáy biển lên. Công nghệ chụp cắt lớp siêu hiện đại cho thấy cấu tạo của thiên thạch hoàn toàn “made in Trái Đất”. Bất ngờ hơn cả, khi chính sếp của nhóm NRO (W. Pickering) là kẻ chủ mưu liên kết với NASA dàn xếp chuyện đó.
Hành trình đi tìm sự thật rất nguy hiểm. NRO luôn bị các thế lực khác tìm cách quấy phá, ám hại theo chỉ thị của NASA, kẻ ném đá giấu tay bằng cách đưa các công ty thám tử tư nhân vào cuộc. Kết cục là Mangor, Ming, Marjorie phải bỏ mạng. Rachel cũng hút chết. Cái giá cho sự thật quả là không thể đo đếm được. Tổng thống cũng bị mắc lừa. Nhóm của Rachel đã giúp ông tỉnh ngộ đúng lúc và may thay, ông đã hủy bỏ cuộc họp báo công bố “phát hiện khoa học chấn động nhân loại” kia.
Dan Brown biết cất giấu bí mật đến phút chót, ông cuốn người đọc vào mê hồn trận bằng tài hư cấu. “Điểm dối lừa đủ độ li kì và bất ngờ để khiến những độc giả dày dạn nhất thấy hồi hộp” (New York Times). Qua câu chuyện, Dan Brown gián tiếp đưa ra thông điệp: Cần phải tôn trọng sự thật, dù bản thân sự thật có nghiệt ngã đến đâu. Trong Điểm dối lừa, có quá nhiều người đã dám nhân danh khoa học để thực hiện ý đồ của mình nhưng sự thật cuối cùng cũng đượclàm sáng tỏ.
TS Phạm Văn Tình