BMW bất ngờ thăng hạng, Toyota tiếp tục dẫn đầu về sự bền bỉ và độ tin cậy
Xe++ - Ngày đăng : 11:59, 17/11/2022
Đánh giá của Consumer Reports dựa trên phản hồi từ các chủ xe trong vòng 12 tháng. Trong năm 2022, đánh giá thu thập dữ liệu từ 300.000 xe, thuộc các đời từ năm 2000 tới 2022, cùng một số ít thuộc đời 2023. Tổng cộng có 17 hạng mục được đánh giá, gồm động cơ, hộp số, thành phần điện tử trong xe… Điểm số của mỗi mẫu xe được tổng hợp từ các đánh giá này.
Theo đó, Toyota và thương hiệu hạng sang Lexus tiếp tục chiếm lĩnh hai vị trí đầu bảng trong năm 2022. Toyota Corolla Hybrid là mẫu xe có độ tin cậy cao nhất trong bảng đánh giá độ tin cậy sản phẩm mà Consumer Reports đưa ra, đạt 93 điểm tổng thể. Ở vị trí thứ hai là Lexus GX với 91 điểm.
Về phần mình, BMW ở vị trí thứ ba đã gây chú ý khi thăng 10 hạng về tính tin cậy của sản phẩm – yếu tố vốn luôn khiến hãng nhận chỉ trích nhiều năm qua. Thành tích này có được một phần nhờ mẫu Series 3 thế hệ mới vươn lên thứ 9 trong bảng xếp hạng sản phẩm tin cậy, đạt 80 điểm.
Về phần mình, Mazda tuy năm ngoái ở vị trí thứ hai, nhưng hiện đã tụt xuống vị trí thứ 4. Honda tiếp tục giữ phong độ ổn định ở cuối nhóm top 5. Consumer Reports cũng ghi nhận 10 mẫu xe mới kém tin cậy nhất, trong đó có Jeep Wrangler, Hyundai Kona Electric, Mercedes-Benz GLE …
Theo các chuyên gia của Consumer Reports, đánh giá năm nay tiếp tục ghi nhận sự vượt trội của các hãng ô tô châu Á trước những đối thủ Âu - Mỹ. Trong danh sách 10 thương hiệu có sản phẩm tin cậy nhất, đã có tới 7 cái tên là các nhà sản xuất châu Á. Cùng với đó, các dòng xe sedan, hatchback và coupe vẫn ít hỏng hóc hơn so với SUV và Minivans. Đáng chú ý, xe bán tải là dòng sản phẩm có độ tin cậy thấp, chỉ tốt hơn các dòng xe điện, vốn đang đối mặt nhiều rủi ro về công nghệ và mức độ hoàn thiện.
Kết quả xếp hạng trong đánh giá năm nay của Consumer Reports được giới chuyên môn nhận định sẽ có tác động đáng kể tới thị trường ô tô toàn cầu, trong bối cảnh khó khăn về chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng khiến tính tin cậy và độ bền bỉ ngày càng được đề cao.
Lúc này, hầu như mọi thương hiệu ô tô lớn đều đối mặt các vấn đề về thiếu hụt phụ tùng, hậu quả kéo dài của đại dịch Covid-19. Các nhà sản xuất cũng gặp khó trong việc đảm bảo nguồn nhân lực, tìm kiếm chip xử lý, giao xe tới các đại lý và khách hàng… Hệ quả là người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới vẫn gặp khó trong việc tìm kiếm chiếc xe như ý, hoặc phải chi trả các khoản phí “bia kèm lạc” mà nhà sản xuất gọi là “phí điều chỉnh thị trường”.
Khi khó khăn phủ bóng u ám khắp ngành công nghiệp ô tô, độ tin cậy của những chiếc xe trở thành yếu tố được ưu tiên. Với người tiêu dùng, điều này là dễ hiểu, nhất là khi lạm phát gia tăng khiến chu kỳ lên đời xe mới bị kéo dài. Thiếu hụt linh kiện và dịch vụ khiến những hỏng hóc đơn giản có thể trở thành thảm họa, trong bối cảnh ô tô luôn là phương tiện quan trọng trong cuộc sống và công việc.
Trong khi đó, sở hữu dải sản phẩm có tính tin cậy cao đương nhiên sẽ giúp các nhà sản xuất ô tô hạn chế đáng kể rủi ro, đảm bảo ổn định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh - là những thứ bất kỳ thương hiệu nào cũng cần trong giai đoạn nhiều bất ổn hiện nay.