Ngân vang tiết tấu... T’rưng
Văn hóa - Ngày đăng : 09:18, 18/01/2007
T’rưng là nhạc cụ của người Giarai, Bahnar, Êđê... Nhạc khí cùng họ với đàn đá, rất phổ biến trong các tộc ở Tây Nguyên. Tộc người này sống tập trung ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lắk và rải rác ở một số tỉnh khác của cao nguyên miền Trung. T’rưng được xếp vào loại nhạc cụ tự thân vang, chi gõ, là loại đàn do nhiều ống đàn hợp thành, một đầu kín, đầu kia vát một đoạn. Các ống đàn được chế tác từ những ống tre, nứa khô, chắc có chiều dài ngắn, to nhỏ khác nhau. Số lượng ống trước đây thường là 2-3 hoặc 5-6, nay có nơi làm tới 9-16 ống. Chúng được buộc song song từ nhỏ tới lớn bằng hai sợi dây thành một đàn. Đàn được mắc xéo ngang vào hai cây hoặc cọc tre, gỗ... Cây đàn T’rưng lớn nhất Việt Nam hiện nay có chiều cao 10,5m, trong đó chân đàn cao 4,5m, mặt dài 6m, chiều ngang 8m đã được Cty TNHH Hoa cảnh Việt TP.HCM trưng bày tại Đà Lạt. Đàn có tới 46 thanh, nhiều hơn rất nhiều so với cây đàn T’rưng chuẩn của đồng bào dân tộc Giarai sinh sống tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung hiện đang sử dụng.
Quan sát kỹ, người ta thấy mỗi ống đàn gồm hai phần: ống hơi và thanh cộng hưởng. Giữa hai phần này có quan hệ mật thiết để tạo nên các ống đàn có cao độ chuẩn, âm thanh vang. Khi diễn tấu, người ta đem treo lên một cái giá đủ trở thành một cây đàn gõ “phím”, cho một hoặc hai người diễn tấu bằng cách cầm những dùi tre hoặc gỗ gõ lên các ống này. Trước kia mỗi lần chơi đàn, người ta buộc các ống đàn trên hai sợi dây, đầu dây phía các âm cao buộc vào thắt lưng người chơi đàn, còn đầu kia buộc vào thân cây hoặc bờ đá, hai tay dùng hai dùi ngắn gõ trên những ống đàn. Bằng cách này đàn thường chỉ có từ 6-7 âm theo trật tự thang 5 âm không bình quân là các âm: Si, Rê#1, Fa1, Sol#1, La1, Si1 hoặc: Đô1, Rê1, Fa1, Sol1, La1, Đô2. Tùy theo bài bản mà người ta thay đổi các ống đàn cho phù hợp. Ngày nay, đàn T’rưng đã được nâng âm vực lên gần 3 quãng 8 (có đàn mắc thang âm Cromatique).
Không giống như T’rưng của người Giarai thường là một đầu có mấu và không có lỗ thoát hơi, các ống đàn T’rưng của người Bahnar đều thông suốt 2 đầu, ở giữa mỗi ống đều khoét một lỗ thoát hơi. T’rưng của người Bahnar được sắp xếp theo hệ thống 5 âm, với âm vực hơn 2 quãng 8, âm sắc T’rưng cứng, rắn rỏi và vang khỏe. Theo giáo sư, tiến sĩ Tô Ngọc Thanh thì hàng âm cơ bản của T’rưng Bahnar là: Đô, Rê, Fa#, Sol, La.
Với người Tây Nguyên lời ca, tiếng đàn luôn là nguồn cổ vũ trong đời sống của họ. Đêm đêm, quanh ngọn lửa hồng, dưới mái nhà rông người ta kể Khan, kể H’non và hát lên những làn điệu dân ca Jôn-jơ, đợi chờ, giã gạo... cùng với tiếng đàn T’rưng. Thuở xưa, đàn T’rưng là nhạc cụ của nam giới được diễn tấu trên nương rẫy, trong lễ hội nhưng không được đánh trên nhà, vì đồng bào Tây Nguyên cho rằng mỗi ống đàn có một vị thần trú ngụ. Các vị thần này bảo vệ nương rẫy, đuổi chim thú. Nếu đánh đàn trong nhà, các gia súc, gia cầm sẽ không lớn được.
Ngày nay, T’rưng không phải là nhạc cụ kiêng kị nữa, mà sử dụng để độc tấu, hòa tấu với các nhạc cụ khác và đệm cho hát... T’rưng đã được các nghệ sĩ chuyên nghiệp đưa lên sân khấu. Nó trở thành nhạc cụ quen thuộc với những người yêu ca nhạc ở trong nước và nước ngoài. T’rưng có khả năng diễn tấu phong phú và đa dạng. Với nguồn âm thanh bất tận, khi êm nhẹ theo giai điệu trữ tình của một khúc hát giao duyên, khi thì hòa cùng dàn nhạc tấu lên bản hợp tấu của núi rừng hùng vĩ...
Trong giao lưu văn hóa, T’rưng cũng xuất hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện đại, phụ họa theo tiếng hát rực lửa của những người con Tây Nguyên, nâng cánh cho những giọng ca vàng đến từ mọi nơi. Một trong những đoàn nghệ thuật hay sử dụng đàn T’rưng để biểu diễn khắp nơi trên thế giới là Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt. Các tiết mục đàn T’rưng của nghệ sĩ Hải Yến (trong trang phục thổ cẩm Tây Nguyên) đã đón nhận được những tràng pháo tay khen ngợi nồng nhiệt của khán giả. Tiết mục đàn T’rưng xuất hiện “lạ mắt và lạ tai” đã góp phần mang lại không khí tươi vui, vũ hội trong chương trình của Đoàn.
Để nâng cao nghệ thuật diễn tấu đàn T’rưng bằng, năm 2004, giáo sư Quang Hải viết Concerto cho T’rưng và dàn nhạc giao hưởng. Giáo sư Hải tiếp tục nghiên cứu để đàn T’rưng đi sâu hơn nữa vào các hơi của nhạc tài tử Nam bộ. Với biến tấu cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng, ông muốn đàn T’rưng chơi hai tay khác nhau, cởi bỏ thói quen ràng buộc lâu đời của kỹ thuật truyền thống, để có thể vừa đánh giai điệu vừa đánh phần đệm. Đồng thời, ông cũng thử nghiệm kỹ thuật trang điểm (appoggiatura- vorshlag) trong việc sử dụng đàn có cấu trúc theo hệ thống Bình quân luật (tempére) mà chơi được hơi Oán (kỹ thuật luyến láy). Việc thử nghiệm này đạt kết quả, nó sẽ mở ra một khả năng mới là dùng nhạc tempére (quốc tế) để chơi nhạc dân tộc một cách thoải mái... Tác phẩm gồm phần mở đầu và chủ đề cùng 6 biến khúc. Với 6 biến tấu này, tác giả mong muốn một lần nữa đẩy mạnh một bước trong việc nâng cao nghệ thuật diễn tấu đàn T’rưng, góp phần đưa đàn T’rưng vượt lên giao lưu với trong nước và quốc tế.
Đàn T’rưng ngày nay thật xứng đáng để hội nhập vào cộng đồng nhạc khí dân tộc Việt Nam. T’rưng là một loại nhạc cụ đặc sắc trong kho tàng nhạc khí Tây Nguyên, âm thanh độc đáo của T’rưng không chỉ lôi cuốn làm say đắm tâm hồn các dân tộc anh em ở Việt Nam, mà còn vượt khỏi biên giới ngân vang đến tận những vùng đất xa xôi và được bạn bè năm châu nhiệt tình đón nhận. Trải qua quá trình sàng lọc với bao biến cố của lịch sử, đàn T’rưng đã và sẽ tồn tại mãi mãi cùng với các dân tộc Tây Nguyên và cộng đồng dân tộc Việt.
Bài và ảnh: Minh Quân