Vật liệu bền vững - tương lai của thiết kế
Xe++ - Ngày đăng : 07:01, 09/12/2022
Tương lai của vật liệu bền vững
Trong khuôn khổ Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2022 được tổ chức mới đây, Đại học RMIT Việt Nam đã công bố dự án: “Vật liệu của tương lai: chế tạo thử nghiệm cellulose vi khuẩn như một vật liệu sinh học tiềm năng” đem đến một cách tiếp cận mới cho thời trang bền vững.
Theo RMIT, ngành thời trang và dệt may là một trong những tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất. Hằng năm, ngành này thải ra hơn 1,2 tỷ tấn các loại rác thải gây hiệu ứng nhà kính, rất có hại cho môi trường, đặc biệt là các loại sợi tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ và sợi dệt như polyester có thể mất tới 200 năm để phân hủy. Do đó, việc chuyển hướng sang dùng các vật liệu sinh học nhằm giúp ngành dệt may và thời trang phát triển bền vững hơn hiện đang được ghi nhận trên toàn cầu.
Phó Giáo sư Donna Cleveland, Phó Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế (Đại học RMIT Việt Nam) đã chỉ ra tác động có hại của các loại vật liệu như nhựa tổng hợp hay da động vật đối với môi trường và tầm quan trọng của việc tìm ra vật liệu sinh học thay thế cho những vật liệu quen thuộc hiện có. “Nhựa không xấu, nhưng nó phù hợp với những vật dụng và công trình có công năng sử dụng dài hạn, theo đơn vị tính bằng năm, chứ không phải có vòng đời sử dụng chỉ vỏn vẹn 45 phút như một chiếc túi nilon” - bà Donna Cleveland nhấn mạnh.
Vậy đâu sẽ là vật liệu của tương lai? Dự án này chỉ ra rằng, các kết quả thử nghiệm cellulose vi khuẩn đã tạo ra một loại vật liệu sinh học tiềm năng, là giải pháp thay thế cho vật liệu tổng hợp từ dầu mỏ. “Kombucha đã có mặt trên toàn thế giới một thời gian dài. Đây là loại trà lên men và phát triển một “cộng sinh của vi khuẩn và nấm men” Scoby, nơi vi khuẩn ăn đường, trà để tạo ra một môi trường có tính axit cao và tạo thành các lớp cellulose. Sau đó, những lớp cellulose này có thể được thu hoạch và sấy khô, và được xử lý bằng kỹ thuật và công thức khác nhau, ví dụ như sáp ong và dầu dừa” - Phó Giáo sư Cleveland giải thích. Các nghiên cứu cũng tính đến đặc tính vật lý và thẩm mỹ, cũng như tiềm năng ứng dụng trong thiết kế, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển ngành thời trang và dệt may một cách bền vững.
Thế giới đã thay đổi
Việc tìm kiếm các chất liệu mới xanh hơn, bền vững hơn đang là xu hướng của ngành thời trang toàn cầu và phần việc này có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc.
Trong triển lãm Future Fabrics Expo với chủ đề đa dạng hóa nguồn nguyên liệu sợi dệt diễn ra ở London (Anh) vào tháng 6-2022, rất nhiều chất liệu mới đã được giới thiệu để thay thế các loại vải truyền thống. Trong số đó có nhiều vật liệu có nguồn gốc sinh học, được tạo ra từ thực phẩm nhằm tận dụng nguồn thực phẩm dư thừa. Chẳng hạn, nhà sản xuất Marenzi giới thiệu Hide Biotech, một sản phẩm thay thế da bằng vật liệu sinh học protein được thiết kế từ collagen. Các nhãn hàng nổi tiếng thế giới như Hugo Boss, Chanel và H&M tung ra các bộ sưu tập thời trang sử dụng da dứa, Gucci tung ra bộ sưu tập đồ da “thuần chay” với loại da được làm từ... rượu vang thay thế cho da bò...
Các loại vật liệu mới này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, mà còn có khả năng đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nhãn hàng nổi tiếng về tính thẩm mỹ, độ bền... Năm nay, xuất hiện công nghệ mới do Frumat phát triển, cho phép sử dụng xơ táo để tạo ra các vật liệu bền vững và có thể phân hủy được. Thương hiệu này sử dụng vỏ táo để tạo nên chất liệu da "thuần chay", rất bền và sang trọng. Hơn nữa, loại da táo này có thể nhuộm và thuộc mà không gây độc hại.
Bên cạnh đó là các chất liệu được phát triển từ những nguồn nguyên liệu tự nhiên dễ tìm, sẵn có nhưng được can thiệp để thay đổi cấu trúc cho phù hợp với yêu cầu của ngành thời trang. Chẳng hạn, việc phát minh loại sợi từ nấm của Công ty Công nghệ sinh học MycoWorks (Anh) giúp tạo ra loại tơ với độ bền vượt trội; phát minh tơ hoạt tính của Evolved by Nature tạo ra loại vải da bằng tơ hoạt tính có tính ứng dụng và khả năng phân hủy cao, vải chuyên dụng cho đồ thể thao dẻo dai và có khả năng tái chế...
Việt Nam có tiềm năng rất lớn về vật liệu sinh học
Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại vật liệu truyền thống thân thiện với môi trường như các loại vải làm từ tơ tằm, lãnh, đay, bông... Và, trong xu hướng phát triển các vật liệu sinh học hiện nay, Việt Nam được đánh giá là có nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất vật liệu thay thế có nguồn gốc từ sinh học bền vững và sẵn có tại địa phương.
Giáo sư Frances Joseph (khoa Môi trường tương lai, Đại học Công nghệ Auckland, New Zealand) nhận định: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển vật liệu sinh học. Với nền tảng sản xuất thời trang ngày càng phát triển, việc phát triển hàng dệt may có nguồn gốc sinh học bền vững được sản xuất trong nước sẽ mang lại cho ngành công nghiệp Việt Nam một điểm khác biệt, đặc biệt là giúp giảm tác động tiêu cực đến môi trường và có sức hấp dẫn cao đối với các công ty thời trang quốc tế đang hướng đến sự phát triển bền vững. Ngoài ra, với truyền thống thủ công phong phú và dân số trẻ, giàu tính sáng tạo, quan tâm đến môi trường, những vật liệu mới này sẽ được sử dụng để phát triển các sản phẩm mới tại địa phương và các ứng dụng thay thế nhựa và vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ”.
Thực tế, các nhà thiết kế Việt Nam cũng rất nỗ lực trong việc tìm tòi vật liệu mới. Chẳng hạn như trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ diễn ra vào tháng 6-2022, chiếc váy làm từ... giấm ăn của nhà thiết kế Trần Hùng dành cho người đẹp Hương Ly đã gây xôn xao dư luận. Trần Hùng cho biết, anh mất 6 tháng để nghiên cứu, thực hiện trang phục bằng chất liệu này. Chất liệu vải da làm từ giấm ăn được gọi là Scoby. Nhà thiết kế sử dụng hình thức cộng sinh của vi khuẩn và nấm men, được xem là yếu tố quyết định trong quá trình sản xuất nấm thủy sâm Kombucha. Scoby trông giống cao su đục. Sau 3 tuần được nuôi, Scoby phát triển thành mảng to, dày hơn 1,5cm. Sau đó, mảng da này sẽ được mang đi phơi 3 - 8 ngày, tùy điều kiện nắng, nhiệt độ. Sau khi phơi xong, chất liệu này sẽ được phủ một lớp sáp ong để bảo quản, chúng sẽ trở thành mảnh da như da thông thường, có độ mềm, dẻo, dai đủ để may trang phục. Chất liệu này có độ bền như da thật và có thể giặt giũ như với chất liệu vải thông thường.
Mới đây, RMIT Việt Nam vừa đưa môn học Công nghệ dệt may vào chương trình Thời trang để sinh viên có cơ hội tham gia chế tạo, phát triển vật liệu sinh học và nhựa sinh học mới.
Với sự vào cuộc của các nhà thiết kế, sự hưởng ứng của giới người mẫu và đặc biệt là sự nghiên cứu công phu cũng như công tác đào tạo bài bản của các trường đại học chuyên ngành, hy vọng rằng những chất liệu mới sẽ sớm trở thành tương lai của ngành thiết kế thời trang nước nhà, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của ngành thời trang Việt Nam.