Dầm-bàn-quân-tống

Xã hội - Ngày đăng : 08:34, 16/01/2007

(HNM) - Đó là tên gọi của một bộ trà xưa. Với cách gọi này, thấy cái sự trà nay thật đơn giản. Các loại trà túi đang thịnh hành càng khiến dầm-bàn-quân-tống trở nên cổ cổ là lạ đến độ khó hiểu với lớp hậu sinh nay.

(HNM) - Đó là tên gọi của một bộ trà xưa. Với cách gọi này, thấy cái sự trà nay thật đơn giản. Các loại trà túi đang thịnh hành càng khiến dầm-bàn-quân-tống trở nên cổ cổ là lạ đến độ khó hiểu với lớp hậu sinh nay.

Lần vào lớp lớp sương khói của thời gian, thấy một bộ trà xưa có đến bẩy thứ. Đó là chưa kể đến nào ấm, khay cùng cả lọ đựng trà nữa đi cùng.

“Dầm” là chiếc đĩa nhỏ, cao thành; dùng để đựng một chiếc chén lớn, gọi là chén “tống”. Một đĩa dầm đẹp, cả trong lòng đĩa lẫn bên ngoài thành đĩa đều vẽ cùng một cảnh, nom rất ngoạn mục. Còn “bàn” là chiếc đĩa lớn hơn, vừa đủ cho bốn chiếc chén nhỏ, gọi là chén “quân”. đương nhiên, bộ trà được gọi là “đúng bộ” phải cùng vẽ một tích, cảnh và cùng một hiệu đề. Các bậc trưởng lão cho rằng, chữ “tống” ở đây là cách đọc “trại” của chữ “tướng” trong dân gian để tỏ lòng tôn trọng các bậc tiền nhân giỏi đánh dẹp, có công giữ yên bờ cõi. Không biết lối nói “trại” này hư hay thực và có từ bao giờ; nhưng chắc chắn qua đó cho thấy đạo lý trọng người có công với nước của cha ông, từ lâu đã được thể hiện và thậm chí thành giáo huấn qua chỉ một bộ trà!

Trà Việt không mượn sự nghiền ngẫm- thuần túy tôn giáo- để hình thành “Trà đạo” như Nhật Bản hoặc sưu tầm thành lý luận như “Trà kinh” ở Trung Quốc. Nó có một sắc thái bí ẩn riêng, ngấm tới mọi tầng lớp của đời sống người dân. Ngay tại Thăng Long xưa, thời Trần Thái Tông, năm 1237, nhà vua đã cho dựng điện Phong Thủy còn gọi là “điện Trà”. Đại Việt sử ký Toàn thư viết: “Khi xa giá dừng ở đây, các quan đưa đón, đều dâng trầu cau và trà”. Như thế đủ thấy, sự gần gũi với cỏ cây hoa lá như một lẽ tự nhiên của cư dân vùng nhiệt đới đã tạo nên sắc thái riêng của trà Việt. Do đó, như một kết hợp kỳ lạ giữa tôn giáo và văn hóa, các bộ trà cùng giá trị thẩm mỹ tự thân đã không ngừng được người Việt tuyển chọn, trau chuốt qua nhiều đời, nhiều thế hệ từ Lý - Trần - Lê để rồi bừng sáng dưới Nguyễn. Trong sự bừng sáng ấy có những bộ trà sứ phương Bắc. Chúng tỏ rõ, có một thời nghệ nhân Giang Tây (Trung Quốc) đã chế tạo những bộ trà chỉ riêng cho người Việt. Do đó các bộ trà cổ càng trở nên quý. Chúng không chỉ là tri kỷ của nhiều thế hệ mà còn góp phần làm trường tồn một nếp sống nho nhã qua chỉ một chữ: Trà!

Trang trí trên các bộ trà cổ thật thiên hình vạn trạng, góp đủ các thể loại từ sơn - thủy, thảo - mộc, hoa - điểu, nhân vật cùng nhiều tích cổ đậm tính giáo huấn của nhà Nho.

Về kiểu dáng của chúng cũng khá phong phú, nhất là ở dáng của chén. Tùy phương ngữ mà người ta gọi tên; phổ biến nhất với các bộ trà cổ vẫn được các cụ gọi là chén hạt mít, dân dã hơn lại gọi: mắt trâu. Nhưng dù hạt mít hay mắt trâu thì, dung tích của chiếc chén nhỏ qua cách gọi đủ nói lên phẩm cấp quý giá của trà. Chén trà còn một cách hình dung nữa để phân biệt, tỉ như: trái hồng, khẩu mía hoặc toát khẩu... Loại trái hồng thường đáy nhỏ, miệng lớn, được số đông ưa thích. Còn toát khẩu là để chỉ loại chén thành đứng, miệng hơi bẻ ra, coi rất thanh bai. Khẩu mía cũng là loại chén thành đứng, nhưng có đường kính miệng và đáy khá trùng nhau. Thế mới gọi khẩu mía! Trong ba loại vừa nêu thì “khẩu mía” thường đắt giá hơn do có người chuộng. Cách đây dăm năm, giá một bộ dầm-bàn-quân-tống cổ chu chọi quãng năm, ba triệu bạc; nay leo lên hơn mười triệu vẫn có người ham. Âu cũng là do thời giá leo thang; thêm nữa, dùng mãi đập vỡ dần, thành ra các bộ trà cổ đã quý lại càng khó kiếm. Người mới chơi thường muốn có ngay một bộ lành lặn, cũng góp phần đẩy giá dầm-bàn-quân-tống lên cao. Cũng cần biết, để có một chiếc chén cổ nhỏ xíu, đượm hương trà trên tay, người xưa phải qua tới hơn năm mươi công đoạn thực hiện kể từ lấy đất, nhào luyện đến vào lò, nung đốt...

Một đặc điểm đáng lưu ý, các chén quân trong bộ trà cổ phần lớn chế bằng cách rót khuôn hàng loạt. Tức là, người ta làm một khuôn sẵn rồi rót chất liệu đã nhuyễn vào các ổ chén; sau đó đem phơi cho ráo, rồi dùng dao gọt đáy, sửa miệng. Sau công đoạn này, các “họa bôi công” mới tô điểm lên thân chén các tích tuồng kiểu vở như: Thái công điếu vị, Tô Vũ chăn dê, Trương Lương vớt giày... theo đơn đặt hàng hoặc những cảnh trí mà thị trường đang ăn khách. Sau khi thực hiện xong bức họa nhỏ xinh, chiếc chén được nhúng vào men áo, gọi là phủ men. Dĩ nhiên cuối cùng, chén được đặt vào các “bao thơi”, tức các hộp kín để khi nung tro bụi không bám lên mình sản phẩm. Kỹ thuật rót khuôn khiến thành chén không dẻo dai, bền chắc như kỹ thuật nặn, vuốt. Do đó khi gặp nước sôi đột ngột của các “trà nô” dội bừa khiến các chén mỏng manh kia phải rùng mình mà nứt. Người trong nghề gọi là “tóc”. Đây một trả lời cho câu hỏi của nhiều người rằng phần lớn thấy các chén quân bị “tóc”. Chén tống dày hơn, dung tích lớn hơn, có độ tản nhiệt cao hơn, nên thấy ít bị “tóc” hơn chén quân. Như chẳng mấy ai dùng chỉ một chén tống; nên bộ trà lẻ bộ luôn kích thích sự tìm kiếm thêm nữa. Còn đĩa bàn và đĩa dầm có vóc to, lại dày nên dù có đổ khuôn cũng ít khi bị tóc do sức nóng của nước, trừ khi do vô ý va đập khi sử dụng. Đa số các bộ trà cổ hiếm lắm một bộ toàn hảo. Để tự an ủi khi bộ trà chỉ còn hai chén quân, người chơi gọi là bộ “song ẩm”; còn độc một chén quân, kêu “độc ẩm”. Chưa thấy ai nói “tam ẩm”; nhưng thành ngữ “trà tam, tửu tứ” đã thường nghe!

Đã cận kề Xuân, Hà Nội Ngàn năm xin mách bạn đọc mến cổ ngoạn, nếu muốn một bộ dầm-bàn-quân-tống hãy lên phố đồ cổ bên đê Nghi Tàm!

Bài và ảnh:Nhật Nam

ANHTHU