Các doanh nghiệp coi khoa học và công nghệ là giải pháp tiên quyết để vươn lên
Xe++ - Ngày đăng : 07:36, 28/01/2023
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, năm 2022, đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội được đánh giá gián tiếp thông qua một số điểm, một số chỉ tiêu như: Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng; tiếp tục xếp thứ 4 trong Đông Nam Á, xếp thứ 2 trong số các quốc gia có mức thu nhập bình quân thấp (sau Ấn Độ). Doanh nghiệp ngày càng quan tâm hơn đến hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo. Năm qua, các tập đoàn, công ty lớn như VinGroup, Samsung… tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo (Giải thưởng VinFuture; Tập đoàn Samsung Việt Nam khai trương Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam…). Ngoài ra, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 12-2022 cho thấy, đóng góp của các nhân tố tổng hợp (TFP) ước tính đạt khoảng 43,8% (gần bằng trung bình giai đoạn 2016-2020 - thời điểm trước dịch Covid-19 là 45,5%; cao hơn mức 37,12% của năm 2021)…
Gần đây, trong tiếp xúc, trao đổi với các doanh nghiệp ở các diễn đàn do Bộ Khoa học và Công nghệ, cũng như nhiều đơn vị khác tổ chức, có một tín hiệu đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu đặt niềm tin vào khoa học và công nghệ và coi đó là một trong những giải pháp tiên quyết để họ vươn lên. Chưa bao giờ các doanh nghiệp lại cần đến những giải pháp công nghệ như hiện nay và chưa bao giờ các nhà khoa học lại mong mỏi chuyển giao sản phẩm nghiên cứu của mình như hiện nay…
Khi hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí càng phát triển, các doanh nghiệp càng có điều kiện nâng cao năng lực, áp dụng các công nghệ mới và tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thị trường. Khi đó có một hệ quả kép là mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước qua thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như các lợi ích về kinh tế - xã hội khác là thúc đẩy phát triển các lĩnh vực ngành nghề, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động.
Chính sự phát triển này sẽ quay trở lại thúc đẩy sự phát triển về khoa học và công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu. Khi đó, các nhóm nghiên cứu mạnh, các trung tâm phát triển công nghệ thực sự là một thành phần quan trọng đóng góp vào hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, chúng ta thấy rằng khu vực doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có những điểm sáng. Một số tập đoàn và doanh nghiệp đã bắt đầu dành nguồn đầu tư đáng kể cho R&D, trong đó có đầu tư dài hạn cho khoa học cơ bản. Đó là cơ sở cho chúng ta tin tưởng rằng khi những chính sách mới thực sự hữu ích được triển khai thì các doanh nghiệp với bản lĩnh và sự nhạy bén của mình sẽ đầu tư nhiều hơn nữa cho nguồn lực khoa học và công nghệ, phát huy ngày càng hiệu quả nguồn lực này phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.