Trân Châu Cảng - 65 năm sau (Kỳ cuối): Nếu không có chiến tranh…
Giới trẻ - Ngày đăng : 09:36, 09/01/2007
Cha con người lính
Một người Mỹ cao to xuất hiện ở tiền sảnh khách sạn Prince Hawaii nơi tôi đang trú ngụ và tự giới thiệu bằng tiếng Việt: “Tôi là Dodie, tôi mới bay từ Cali đến vì biết có bạn bè ở VN sang”. Ông nói tiếng Việt chưa lưu loát lắm, nhưng lúc nào cũng nói và nói thật to bằng tiếng Việt cho những người Mỹ khác biết: có sự hiện diện của người VN tại đây!
Dodie Gaines là con trai của cựu binh Jesse Gaines từng đồn trú ở căn cứ không quân Hickam Field cách Trân Châu Cảng 10 dặm. Tên của anh lính bộ binh Jesse đã được lưu danh trong sử sách Hoa Kỳ vì dũng cảm đội mưa bom cùng đồng đội khởi động hai chiếc phi cơ chiến đấu không lực Mỹ bay lên đánh chặn máy bay Nhật khi cuộc tấn công thứ hai nhắm vào Trân Châu Cảng, góp phần bắn rơi 29 máy bay Nhật.
Trong quyển sách Mặt trời mọc của tác giả John Taland (được xem là một quyển sách bán chạy nhất ở Mỹ về Chiến tranh thế giới thứ hai) có nhiều trang viết về câu chuyện của Jesse và bộ phim Pearl Harbor cũng đề cập chuyện này. Từ sau năm 1945, Jesse đã nhiều lần trở lại Hawaii để làm lễ tưởng niệm đồng đội, ông luôn dắt theo con trai Dodie đến đó không phải để cho con ông cảm nhận sự anh dũng của người lính chiến, mà như một thức tỉnh của người Mỹ về chiến tranh.
Nhưng như một sự nghiệt ngã của số phận, con ông - Dodie - cũng trở thành một người lính và bị điều động sang chiến trường VN năm 1968. Dodie tham gia lực lượng bộ binh sư đoàn 101 tham chiến ở vùng rừng núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế và từng bị thương. Dodie cho biết chưa từng chạm súng với đối phương, nhưng ông cảm nhận được sự chết chóc, bi thương của người VN khi có sự xuất hiện của lính Mỹ. Chỉ đồn trú tại VN đúng một năm, nhưng với Dodie đó là một vết cắt sâu trong tim một người Mỹ yêu hòa bình.
Nói chuyện với chúng tôi, cho dù vốn liếng tiếng Việt còn hạn chế, ông vẫn luôn giành “quyền” nói tiếng Việt. Dodie kể: “Cha tôi đã từng bảo chiến tranh là sự vô nghĩa nhất trên đời, vậy mà cả hai chúng tôi đều can dự vào hai cuộc chiến. Trong những lần sang Hawaii, cha tôi đều nói phải chi không có cuộc chiến Trân Châu Cảng, không có vụ đánh bom Hiroshima, Nagasaki, không có chiến tranh VN thì những nơi này đều xứng đáng được gọi là thiên đường. Cha tôi luôn thúc giục tôi trở lại VN để làm điều gì đó cho người dân nơi này”.
Sau chuyến tham dự lễ tưởng niệm sự kiện Trân Châu Cảng lần 60 năm 2001, ông Jesse qua đời sau một ca phẫu thuật dạ dày. Trước khi mất, ông đã nói với con trai Dodie phải về dự lễ lần 65 (2006) để thay ông gửi xuống biển một tràng hoa cuối cùng cho đồng đội. Đối với Dodie, từ những lần theo cha đến Hawaii, ông luôn tự hỏi: “Tại sao người Nhật lại mang bom đánh vào Trân Châu Cảng và vì sao người Mỹ lại mang bom đạn đến VN?”. Giống như cha mình, Dodie tìm cách quay lại chiến trường xưa. Với ông, trở lại VN như một lời sám hối.
“Tôi thương Việt Nam”
Sau nhiều dằn vặt với lương tâm, đầu năm 1998 Dodie Gaines trở lại VN lần đầu tiên. Chuyến đi mang đến cho ông cảm xúc mãnh liệt với hành trình bằng xe đạp kéo dài 18 ngày từ Sài Gòn ra Huế, và tìm đến các địa danh 29 năm trước ông từng đóng quân như A Lưới, Lăng Cô, Phú Lộc...
Những miền quê hiền hòa, thanh bình vẫn còn hằn sâu vết thương chiến tranh, nhiều trẻ em còn mang trên mình bệnh tật do cha mẹ chúng là nạn nhân trực tiếp của bom đạn Mỹ. Trở về Mỹ, trái tim Dodie không thôi thổn thức: “Vì sao người Mỹ lại mang bom đạn đến một đất nước thanh bình như thế, vì sao người Mỹ không trở lại và mang những cơ hội về một cuộc sống tốt hơn cho người VN?”. Dodie liên hệ với nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở VN và kể cho họ nghe những đổi thay, khó khăn ở nhiều vùng nông thôn VN, đồng thời vận động họ cùng với mình trở lại chiến trường xưa.
Không phải ngẫu nhiên mà Dodie đến Hawaii trong những ngày kỷ niệm 65 năm sự kiện Trân Châu Cảng, cho dù việc kinh doanh của ông tại California rất bận rộn dịp cuối năm và ông đã có kế hoạch trở lại VN vào tháng 3-2007.
Trước đó một tháng, khi liên lạc với Dodie qua email, biết chúng tôi sẽ đến Hawaii, ông bảo: “Tôi sẽ là người trực tiếp đưa các bạn đi thăm Trân Châu Cảng”. Ngày đầu tiên gặp nhau ở khách sạn Prince Hawaii, ông mặc chiếc áo xanh có thêu dòng chữ “Tôi thương Việt Nam” và cứ mỗi ngày sau đó lại là “Tôi thương phở”, “Tôi thương tương ớt”... do chính ông tự tay thêu.
Sau chuyến đi năm 1998 đến nay, Dodie đã 17 lần trở lại VN. Mỗi lần ông đến VN là có thêm không chỉ một ngôi trường, một số vốn, một cơ hội vào đời cho những đứa trẻ chăn trâu ở A Lưới, đánh giày, bán vé số ở Huế, Đà Nẵng mà còn là ngày một nhiều hơn trái tim của những cựu binh. Ông đã cùng với các cựu binh Mỹ trở lại xây dựng 28 ngôi trường ở Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế... cùng nhiều chương trình tài trợ vốn, tài trợ mổ tim cho trẻ em nghèo.
Mỗi chuyến trở lại VN, ông lại có thêm hàng chục đứa trẻ mà ông xem là bạn: Thắng đánh giày ở Huế, Nam bán vé số ở Đà Nẵng, Hoa chăn trâu ở A Lưới... Dodie nói: “Tôi đã xem VN là quê hương thứ hai của tôi, mỗi chuyến về VN với tôi như là một chuyến về nhà. Bởi quá yêu VN nên tôi đã lấy vợ người Việt và cô ấy vẫn đang sống ở TP.HCM”. Gặp bất cứ người Việt nào ở Hawaii, dù là du khách hay anh lái taxi, chị bán rau ngoài chợ phố Tàu, Dodie đều cố gắng nói chuyện bằng tiếng Việt, bởi theo ông, “cùng là người Việt với nhau sao lại phải dùng ngoại ngữ?”.
Đêm chia tay trong bữa tiệc nhỏ ở bờ biển Waikiki thật xúc động. Dodie đã khóc khi kể chúng tôi nghe phận đời cơ cực của những đứa bé ở miền Trung VN mà ông đã tìm hiểu. Ông tâm sự: “Tôi ước gì có nhiều cơ hội hơn để giúp các em nhiều hơn, đó là những đứa em của tôi mà tôi thấy phải có trách nhiệm lo cho chúng”.
Trước khi chia tay tôi, Dodie nhắn gửi: “Tôi phải quay lại California ngày mai để lo một số công việc, các anh cứ về VN trước, qua tết tôi sẽ về sau. Tôi còn rất nhiều việc phải làm cho bọn trẻ, nhiều đứa vẫn chưa được đến trường, tôi không thể làm ngơ trước sự thiếu thốn ấy, bởi tôi tự xem mình là người VN, tôi thương VN”. Tôi rời Hawaii với lời hẹn ấy, cảm thấy Hawaii cách VN cả một Thái Bình Dương mà sao thật gần.
Theo TT