Thiết kế chính sách tháo gỡ điểm nghẽn khoa học, công nghệ
Xe++ - Ngày đăng : 06:22, 14/02/2023
Lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong hoạt động khoa học và công nghệ được hình thành rõ nét trong năm 2022, qua những thay đổi có tính tổng thể về chính sách, giải pháp khoa học và công nghệ, nhằm nâng cao hiệu quả đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Một khảo sát do Trường Đại học Kinh tế quốc dân thực hiện năm 2020 cho thấy, công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức trung bình và mức độ tham gia của các chủ thể (viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam) vào thị trường, khả năng cung ứng cho thị trường rất thấp. Nguyên nhân là các chương trình nghiên cứu chưa đủ dài hơi; các công nghệ sau khi được nghiên cứu xong, lại chưa hoàn thiện để sẵn sàng đưa ra thị trường. Đa phần doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên chưa đủ nguồn lực, chưa có khả năng chấp nhận rủi ro theo đuổi việc nghiên cứu phát triển hoặc phối hợp với các viện, trường để nối dài các kết quả nghiên cứu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn ngại tham gia các chương trình khoa học và công nghệ dành cho doanh nghiệp, do thủ tục hành chính phức tạp và e ngại rắc rối trong xử lý tài sản phát sinh sau dự án…
Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan cùng thiết kế các chính sách thúc đẩy tinh thần “lấy doanh nghiệp làm trung tâm” hay “doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia”. Các chính sách này đều dựa trên Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó các hoạt động xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như phát triển năng lực các viện, trường đều có một đích đến: Tạo ra môi trường thông thoáng để kết quả nghiên cứu của các viện, trường có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp có thể kết hợp với trường, viện giải quyết vấn đề đổi mới công nghệ của chính mình.
Tạo hành lang pháp lý mới
Năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN hướng dẫn sử dụng Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Bộ cũng tái cơ cấu hệ thống các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận và tham gia. Việc này nhằm tìm giải pháp công nghệ, nâng cao năng lực cho chính mình; quy hoạch mạng lưới các tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ địa phương đến trung ương cũng như các tổ chức khoa học và công nghệ trong trường đại học…
Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia trước đây chưa chấp nhận rủi ro cũng như chưa cho phép đầu tư dài hơi, nay Bộ đã thiết kế các đề tài, nhiệm vụ hướng đến việc làm ra các công nghệ mới, giải pháp mới, có thể thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm, thay vì 5 năm như trước. Đồng thời, Bộ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên tinh thần chấp nhận rủi ro; bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, công bằng, tạo điều kiện cho khoán sản phẩm và hậu kiểm, gắn kết chặt chẽ với thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra… Trước mắt, Bộ đã thay thế một loạt thông tư để dỡ bỏ các quy định phức tạp trước đây.
Trong năm 2023, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách nhà nước vào sản xuất, kinh doanh. Bộ cũng tập trung sửa đổi, bổ sung các thông tư để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cho giai đoạn tới (cắt giảm thủ tục; điện tử hóa các quy trình…). Ngoài ra, các chính sách về thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa kết quả nghiên cứu; nhập khẩu công nghệ… được Bộ hoàn thiện và đưa vào triển khai.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo hành lang pháp lý mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho cả giai đoạn tiếp theo, dự kiến đến năm 2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục sửa đổi, bổ sung thêm 4 luật (Luật Khoa học và công nghệ; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa).
Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, hiện vẫn còn một số quy định trong các thông tư, nghị định khác của Chính phủ và một số luật, nên việc sửa đổi cho đồng bộ giữa các văn bản quy phạm pháp luật cần rất nhiều nỗ lực. Trong thời gian tới, tất cả các vướng mắc đó sẽ được khơi thông để làn sóng công nghệ và đổi mới sáng tạo từ trường, viện đến được với doanh nghiệp và doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ.