Khúc mắc thường gặp trong gia đình
Xã hội - Ngày đăng : 17:03, 05/01/2007
Giao tiếp kém. Những thành viên trong gia đình hoặc tránh chuyện trò cùng nhau, hoặc không kiên nhẫn lắng nghe người kia trình bày, diễn đạt cảm xúc, có thể bằng lời hay hành động.
Không tìm được hướng giải quyết tốt cho những xung đột và bất đồng. Điều này thường xảy ra mọi người không cùng ngồi lại trao đổi hoặc tệ hơn, không thừa nhận gia đình đang có những khúc mắc cần giải quyết. Điều đó càng khiến các bất đồng thêm gay gắt và khả năng trốn tránh sự thật cũng tăng lên.
Ở nhiều gia đình, các thành viên chẳng bao giờ biết cách đàm phán và nhường nhịn nhau, hay vì lý do nào đấy không thể tha thứ cho những gì người khác lỡ gây ra cho mình. Trẻ em thường có khuynh hướng “lấy mẫu” những gì cha mẹ chúng đang đối xử với nhau, và sẽ thu mình lại thay vì trao đổi cởi mở, chân thành.
Giải pháp kém. Những thành viên trong gia đình khó xác định chính xác rắc rối nào họ đang phải đối mặt, ai có trách nhiệm giải quyết ổn thỏa nó. Họ cũng không biết chấp nhận và hành động dựa trên các giải pháp đã đề ra.
Phân công trách nhiệm chưa tốt. Bất cứ gia đình nào nếu không có sự phân công trách nhiệm rõ rệt cho từng thành viên thì khi rắc rối phát sinh, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Khi ấy, mọi người không đồng lòng giúp đỡ lẫn nhau hoặc chưa phân bổ trách nhiệm hợp lý nên mọi thứ không được giải quyết tốt.
Thiếu nâng đỡ về mặt tình cảm. Gia đình, đặc biệt với trẻ em, là nguồn nâng đỡ tình cảm quan trọng nhất. Trong suốt những năm dở dở ương ương của tuổi mới lớn, đối với các em, không có nguồn nâng đỡ về tinh thần, tình cảm nào tốt như gia đình
Không chấp nhận những khác biệt. Chức năng của gia đình sẽ chỉ hoàn thiện tốt nhất khi mọi thành viên được thừa nhận và trân trọng. Vì thế, mỗi người cần biết cách công nhận và tránh làm tổn thương người khác.
Nếu mỗi thành viên không thể dung hòa và yêu thương nhau chỉ vì những khác biệt cá nhân thì các đứa trẻ trong gia đình ấy thường thiếu tự tin, đâm ra tự kỷ ám thị rằng mình rất tệ, và trở nên kém kỹ năng giao tiếp xã hội.
Quá lệ thuộc vào người khác. Trẻ cần được dạy cách tự kiểm soát và làm chủ những thách thức trong cuộc sống cũng như niềm vui thành công. Nếu từ nhỏ, bạn đã tập cho trẻ tính “xin phép” trong mọi vấn đề thì sau này nó sẽ khó tự tin, thiếu tinh thần làm việc quyết đoán, độc lập và có trách nhiệm.
Theo Tuổi Trẻ/Vnexpress