Khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão

Công nghệ - Ngày đăng : 17:43, 23/08/2022

(HNMO) - Đêm nay (23-8), bão Ma-on đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2022 với cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, thành phố Hà Nội xảy ra đợt mưa vừa, mưa to, đề phòng úng ngập đô thị.

Hướng di chuyển của bão Ma-on hồi 13h ngày 23-8.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, đêm nay, Hà Nội mưa rào và dông rải rác; thời tiết mát, nhiệt độ dao động 26-29 độ C.

Ngày mai (24-8), Hà Nội nắng, thời tiết oi nóng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32-34 độ C, riêng khu vực trung tâm thành phố 33-35 độ C.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Ma-on nên từ chiều 25 đến ngày 27-8, Hà Nội có mưa vừa, có nơi mưa to và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra ngập úng tại các khu đô thị, vùng trũng thấp...

Về diễn biến của bão, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, khoảng đêm nay, bão Ma-on sẽ đi vào khu vực phía Bắc của Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2022. Đến 13h ngày mai, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 800km về phía Đông Bắc; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 13. Sau thời gian trên, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc. Đến 13h ngày 25-8, bão đi vào vùng biển phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với cường độ mạnh cấp 10-11, giật cấp 13...

Trên đất liền, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho biết, ngày 23-8, khu vực huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) liên tiếp xảy ra 4 trận động đất.

Để chủ động ứng phó các loại hình thiên tai nêu trên, chiều tối nay, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn có công điện yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên và các bộ, ngành liên quan khẩn trương thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Kon Tum và các bộ, ngành liên quan kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học nội trú và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy điện, thủy lợi; kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố hư hỏng để bảo đảm an toàn về người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống...

Kim Nhuệ