Gỡ vướng trong xử lý nước thải
Công nghệ - Ngày đăng : 06:18, 16/09/2022
Chậm vận hành gây lãng phí
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, về hệ thống thu gom, xử lý nước thải, hiện thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý hơn 276.000m3/ngày - đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.
Tuy nhiên, giám sát của HĐND thành phố cho thấy, nhiều dự án xây dựng trạm xử lý nước thải được xây dựng nhưng không đấu nối và chưa đi vào hoạt động. Đơn cử như Nhà máy xử lý nước xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức) đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, cơ bản hoàn thiện hệ thống đường ống thu gom, hệ thống xử lý nước thải và nhà điều hành quản lý, nhưng vẫn chưa thể vận hành vì thiếu một số hạng mục…
Hay như Trạm xử lý nước thải tại Khu đô thị Việt Hưng, trạm xử lý nước thải duy nhất trong các khu đô thị ở quận Long Biên, đã xây dựng hơn 5 năm nay nhưng vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí. Bên cạnh đó, Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp làng nghề Tân Triều (huyện Thanh Trì) đã được đầu tư từ năm 2008 nhưng chưa vận hành, hiện các thiết bị đã cũ, hỏng.
Trong khi đó, theo Sở Công Thương Hà Nội, đến tháng 8-2022, thành phố mới có 30/80 cụm công nghiệp đang hoạt động đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, còn 11 cụm đang được Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố tập trung thực hiện, dự kiến năm nay hoàn thành để đưa vào hoạt động.
Qua giám sát của HĐND thành phố gần đây cho thấy, tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp đã hoạt động ổn định giai đoạn 2014-2015 đang chậm so với kế hoạch. Một số cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ trạm xử lý nước thải tập trung song chưa phát huy hiệu quả do các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chưa thực hiện nghiêm việc đấu nối xả thải với hệ thống này. Cùng với đó, việc thu phí nước thải cũng gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước của doanh nghiệp, người dân...
Đề xuất các giải pháp
Trước những tồn tại trong xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các cụm công nghiệp, do cơ sở hạ tầng ban đầu xây dựng đã xuống cấp nên cần kinh phí cải tạo, bảo dưỡng. Cùng với đó là có cơ chế hỗ trợ kinh phí để vận hành trạm xử lý nước thải khi nguồn thu chưa bảo đảm cân đối với nguồn kinh phí quản lý, vận hành.
Với các cụm công nghiệp diện tích nhỏ chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải cần có giải pháp đấu nối nước thải với các cụm công nghiệp khác đang triển khai gần khu vực và đã có hệ thống xử lý nước thải để tránh lãng phí tài chính trong vận hành trạm. Đối với cụm công nghiệp không còn quỹ đất để xây dựng trạm xử lý nước thải thì đề nghị bổ sung quy hoạch để triển khai.
Sở Công Thương cũng đề nghị thành phố tăng cường thanh, kiểm tra xử lý vi phạm bảo vệ môi trường với doanh nghiệp tự ý khai thác nước ngầm phục vụ sản xuất, không đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý của cụm công nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Tiến Cường, để thực hiện tốt công tác xử lý nước thải, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt điều chỉnh, bổ sung mức giá thu phí xử lý nước thải đối với các doanh nghiệp hoạt động trong cụm công nghiệp để bảo đảm duy trì, vận hành hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, đề xuất thành phố đặt hàng các đề tài khoa học xử lý nước thải ngay tại hộ gia đình sản xuất trong các làng nghề truyền thống. Từ đó, người dân có thể ứng dụng được và chi phí sẽ thấp hơn so với đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố Đặng Việt Trung cho biết, đầu tư lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải đòi hỏi nguồn lực rất lớn, ngân sách thành phố chưa đủ đáp ứng. Vì thế, sau gần 10 năm, nhiều dự án chưa được đầu tư, dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu thực tế về xử lý nước thải.
Ông Đặng Việt Trung thông tin thêm, thời gian tới, ngoài đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang đầu tư, thành phố cũng xem xét bố trí vốn hằng năm cho 7 dự án trong danh mục dự án khởi công mới. Hiện 7/11 dự án đã được UBND thành phố có quyết định giao các sở: Xây dựng, NN&PTNT chủ trì, phối hợp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.