Phố Hàng Bồ

Xã hội - Ngày đăng : 15:05, 28/12/2006

(HNM) - Phố Hàng Bồ dài 272 mét, đi từ phố Hàng Ngang đến phố Hàng Thiếc. Đây nguyên là đất thôn Xuân Yên (đoạn phía đông) và thôn Nhân Nội (đoạn phía tây) vốn thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ. Dấu vết 2 làng này là những ngôi đình cổ còn sót đến nay: đình Xuân Yên ở số 6 Lương Văn Can và đền Nhân Nội ở 84A Hàng Bồ.

Thực ra đoạn đầu phố chỗ tiếp giáp Hàng Đào, Hàng Ngang thời thế kỷ 19 có tên là phố Hàng Dép. ở đây tập trung các cửa hàng bán guốc dép. Mặt phố bên số lẻ là những căn nhà hẹp, xây áp vào tường nhà của phố Hàng Đào lòng nhà chỉ đủ cho người bán hàng ngồi, quây quanh là các loại guốc dép. Mặt phố bên số chẵn, nhà rộng hơn, nhưng vì tựa vào lưng các nhà Hàng Ngang nên cũng không có sân sau. Vẫn là hàng guốc dép. Đủ loại guốc: guốc đẽo bằng gốc tre, guốc gỗ quai da láng, guốc giầy có mũi bọc da mộc, sau là guốc tân thời, sơn nhiều màu. Dép cũng nhiều loại: dép da sống, dép quai ngang, dép cong... rồi chuyển sang xăng-đan, dép cao gót... Giầy cho nam giới là giày hạ, rồi giầy Gia Định, riêng nữ giới đến đầu thế kỷ 20 có các kiểu mới theo từng thời như giầy mang cá, giầy cườm, rồi giầy "muyn" đi đôi với áo tân thời Lơ-muya.

Các hàng giầy dép đương thời có tín nhiệm là Đông Hưng Long (số 4), Đức Mậu (số 20), Phúc Lý (số 7), Lương Quảng (số 21) v.v...

Đoạn Hàng Bồ đích thực, từ thế kỷ 19 đến vài thập kỷ đầu thế kỷ 20 có nhiều nhà đan bồ nứa, vào dịp Tết thì bồ chất đầy phố, kẻ mua người bán tấp nập, vì dân các tỉnh về Hà Nội mua cất hàng, cần có bồ để đóng. Khoảng những năm 1920, còn hai nhà đan bồ: ông Sáu Bồ ở số 35 và một nhà bên số chẵn gần đền Nhân Nội (số 84A)

Sau đó bồ lùi vào các chợ, nhà hàng nhường cho các hoạt động kinh doanh khác: một Công ty của nhà nho tiến bộ Nghiêm Xuân Quảng mở hiệu ở số 83 có tên Quảng Hưng Long, rồi lại lập cả ở đây nhà in Kim Đức Giang. Số nhà 65 thành công ty Đông Xương Long kinh doanh sắt thép, họ trở thành đại phú do cung cấp sắt cho việc mở rộng 2 cánh đi bộ ở cầu Long Biên những năm 1922-1923 (Sau thành hiệu thủy tinh Thanh Đức của ông Trịnh Đình Kính tài ba). Rồi nhà đại phú Cửu Nghi ở 57-59 kinh doanh nhà đất, ông có hàng trăm ngôi nhà ở Hà Nội.

Đặc biệt từ 1915 ở giữa phố nổi lên một ngôi đình của các thợ kim hoàn Định Công dựng để thờ tổ nghề: nhà số 51. Nhưng đến những năm 30 của thế kỷ XX thì các thợ vàng bạc rút về làng, bán đình cho ông Phạm Lê Bổng. Ông này xây nhà ba tầng làm cửa hàng. Nay là trụ sở Báo Lao động. Ông còn có ngôi nhà số 44, lấy làm trụ sở hai tờ báo của chính ông, một tờ chữ Pháp xuất bản năm 1932 cho tới tận 1945 là tờ Patrie Annamite (Tổ quốc Việt Nam) và tờ tiếng Việt là Nam Cường xuất bản từ 1936 đến 1939. Nhà báo Tiêu Lang Nguyễn Đức Bính là trụ cột ở hai báo này.

Nói đến báo thì cũng nói ngay đến sách. Phố Hàng Bồ ngoài nhà in Kim Đức Giang nói trên (hoạt động đến 1932) còn có 1 nhà in kiêm xuất bản: đó là nhà in Hồng Khê và nhà xuất bản Lê Cường ở số nhà 75. Nhà in này ban đầu là in toa thuốc, bao bì, sách giới thiệu hàng của nhà thuốc Hồng Khê, sau phát triển xuất bản các sách văn học tiểu thuyết, nghiên cứu. Nhà văn Trúc Đường từng là biên tập viên cột trụ của nhà xuất bản này. Có cả người Hoa chủ yếu gốc Triều Châu (chứ không phải Thiều Châu, Thiều Châu thuộc Quảng Tây còn Triều Châu ở Quảng Đông, giáp Phúc Kiến nên người Triều Châu thân với Phúc Kiến hơn) đến đây mua nhà, mở hiệu, chủ yếu là đại lý bán buôn các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, Xin-ga-po và Pháp như máy khâu, sữa, hóa chất, táo Tàu, nho, đặc biệt gần Tết có nhập củ thủy tiên. Đồng thời họ xuất chè, sơn, gạo, đường.... Cũng không ít nhà bán lẻ hàng bách hóa. Những cửa hàng lớn như Vĩnh Tường, Ly Seng Bao, Cheng Hinh, Vinh Đức, Ninh Đức... Hoa kiều cũng là những người đầu tiên mở hiệu chụp ảnh: Tắc Ký, Vinh Xương..., hiệu Thiên Nhiên cũng là hãng sản xuất đĩa hát đầu tiên ở Hà Nội .

Những năm 1940, người Nhật cũng tới thuê nhà ở Hàng Bồ mở hàng như Tanaké, Đainan Kosi (Vị trí Quảng Hưng Long cũ).

Một nét đặc biệt của phố này thời trước 1945 là cứ khoảng gần Tết là trên vỉa hè nhiều ông đồ bày mực tàu, giấy đỏ viết chữ, bán cho dân treo ngày Tết. Các ông đồ trải chiếu ngồi dưới mái hiên mấy cửa hàng lớn chuyên bán buôn (ít khách ra vào), treo lên tường những câu đối viết sẵn, những đôi liễn hoa tiên, dưới chiếu bày chậu mực, ống bút và cả tập giấy màu. Cả Hà Nội chỉ phố này là có ông đồ bán chữ. Có lẽ do ở đây vốn có những hiệu người Hoa bán bút mực và các loại giấy màu nhập từ Hồng Kông.

Những người làm cho Tết Hà Nội thêm đẹp đó từng đi vào bài thơ Ông đồ rất nổi tiếng của Vũ Đình Liên viết năm 1935. Xin trích vài đoạn :

Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua. Bao nhiêu người thuê viết/Tấm tắc ngợi khen tài/Hoa tay thảo những nét/Như phượng múa rồng bay...

Nhưng mỗi thời một khẩu vị, tới lúc người Hà Nội thích chơi tranh Thiếu nữ Hồng Kông thì các cụ đồ thất thế và Vũ Đình Liên ghi tiếp :

Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ.

Đối với lịch sử kháng chiến, một sự kiện đáng nhớ là cuối năm 1946, sau 19 ngày đêm chống Pháp, các lực lượng quân sự của Liên khu I như Vệ quốc đoàn, Tự vệ thành, Công an xung phong... đã được thống nhất thành Trung đoàn Liên khu I. Lễ ra mắt Trung đoàn ở ngôi nhà 51 Hàng Bồ vào sáng ngày 6-1-1947. Bảy ngày sau, Trung đoàn được Hội nghị quân sự toàn quốc tặng danh hiệu Trung đoàn thủ đô.

Hàng Bồ ngày nay thay đổi nhiều, đại bộ phận là nhà cao tầng, kinh doanh nhiều mặt hàng hơn xưa, duy chỉ có... bồ là không có bán!

Đạt Bách

ANHTHU