Hiệu quả từ thu gom rác thải nhựa giá trị thấp
Công nghệ - Ngày đăng : 06:47, 13/10/2022
Giá trị nhỏ, ý nghĩa lớn
Chia sẻ về những ngày đầu tiên tiếp cận với mô hình tại quận Hoàn Kiếm do Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) hỗ trợ triển khai từ ngày 1-4 đến 20-6-2022, Tổ trưởng tổ dân phố số 5, phường Hàng Trống Lê Thị Thúy Nga cho biết, từ Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, đến những hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn thanh niên phường… đều hăng hái hưởng ứng, tích cực tuyên truyền ngay từ trong gia đình, sau đó lan tỏa ra từng ngõ, phố để kêu gọi người dân cùng thu gom, phân loại rác tại nhà. Các loại bìa các tông, giấy, túi ni lông, vỏ bánh kẹo... có thể mang đem đổi lấy quà tại điểm thu gom rác tái chế. Còn rác thải nhựa giá trị thấp, như: Chai, lọ, vật dụng bằng nhựa… được làm sạch, phơi khô để Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) Chi nhánh Hoàn Kiếm thu gom vào sáng thứ bảy hằng tuần.
Thay vì cho cả rác hữu cơ, vô cơ, rác thải nhựa lẫn lộn vào túi rồi đưa ra nơi thu gom rác hằng ngày, các thành viên gia đình chị Lê Thu Phương (tổ dân phố số 1, phường Hàng Đào) đã duy trì việc phân loại rác tại nhà. Chị Phương cho biết, các nhóm nòng cốt của “Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp” đã đến từng hộ dân hướng dẫn và giám sát các hộ phân loại rác tại nguồn. Đa số người dân đồng thuận, chia sẻ niềm vui vì việc phân loại này có thể biến rác nhựa giá trị thấp tái chế thành tài nguyên.
Theo báo cáo của UBND phường Hàng Đào, phường đã thí điểm mô hình nhân rộng toàn địa bàn, phát 2.500 tờ rơi ở 6 tổ dân phố, thực hiện phân loại và thu gom được 1.956kg rác nhựa giá trị thấp. Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Trống Ngô Văn Đạt, tính đến ngày 21-6, trên địa bàn phường đã thu gom được 1.866kg rác thải giá trị thấp.
Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hoàn Kiếm Trịnh Minh Phương cho biết, tính đến ngày 30-6, đã có 8.000 hộ dân trên địa bàn 6 phường: Hàng Đào, Hàng Trống, Cửa Đông, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Phúc Tân nhận được hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn, có 7.000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác tại nguồn như nhóm nòng cốt hướng dẫn. Lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được từ 6 phường trung bình khoảng 170kg/ngày.
Xây dựng mô hình hoàn chỉnh để nhân rộng
Thời gian qua, tại Hà Nội, có nhiều mô hình tương tự đã được thực hiện nhằm phân loại, thu gom và tái chế rác nhựa giá trị thấp.
Cụ thể, tại quận Hà Đông, mô hình “Ngôi nhà xanh” của phường Phú Lãm; “Ngôi nhà xanh thân thiện với môi trường” phường Phú Lương trở thành địa chỉ giúp các chị em tập kết phế liệu, rác có thể tái chế, như: Nhựa, giấy vụn, vỏ lon, giấy bìa... Mô hình đã thu hút nhiều gia đình tham gia, tạo thói quen phân loại rác tại nguồn. Tương tự, “Ngôi nhà xanh, thu gom rác thải nhựa gây quỹ từ thiện” tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) cũng được các hội viên phụ nữ nhiệt tình tham gia, lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, đầu tháng 10 vừa qua, quận Nam Từ Liêm đã tổ chức mô hình phân loại thu gom, tái chế rác thải nhựa giá trị thấp giai đoạn 2. Theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm Đào Thị Hồng Lê, năm 2021, UBND quận đã triển khai thành công giai đoạn 1 tại địa bàn phường Mễ Trì, góp phần nâng cao nhận thức cho hơn 2.000 hộ dân trên địa bàn 4 tổ dân phố về thói quen phân loại hơn 8 tấn rác thải nhựa giá trị thấp để xử lý và tái chế. Giai đoạn 2, quận nhân rộng tại phường Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 và toàn địa bàn phường Mễ Trì.
Theo Trung tâm Nghiên cứu môi trường và Cộng đồng (CECR), “Chương trình giảm rác thải nhựa giá trị thấp” tại quận Hoàn Kiếm là mô hình đầu tiên trong cả nước xây dựng tương đối hoàn chỉnh để thu gom được các loại rác giá trị thấp nên được sự ủng hộ của tất cả các cấp, góp phần nâng cao nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn như: Chưa có cơ chế giám sát, chế tài xử phạt cho việc không tuân thủ phân loại rác tại nguồn; còn tình trạng người dân ngại để rác nhựa giá trị thấp trong nhà nên không phân loại dẫn đến khó khăn trong việc kết nối và quản lý toàn bộ chuỗi thu gom. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đưa ra quy trình phân loại - thu gom - tái chế hoàn chỉnh để có thể nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, cần tăng cường phổ biến kiến thức và thực hành phân loại rác tại nguồn cho người dân thực hiện ngay từ ngôi nhà của mình.