Nâng cao vai trò của khoa học xã hội và nhân văn

Công nghệ - Ngày đăng : 07:22, 14/10/2022

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thu được nhiều kết quả, nhất là đã nâng cao vai trò, vị trí của khoa học xã hội và nhân văn trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, để lĩnh vực này đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của sự phát triển trong bối cảnh mới, đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận, tháo gỡ những rào cản, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi hơn nữa.

Quang cảnh hội thảo “Khoa học xã hội và nhân văn qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ: Thực trạng và định hướng phát triển trong thời gian tới” do Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức, tháng 10-2022.

Động lực cho phát triển

Ngày 1-11-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Kể từ khi Nghị quyết số 20-NQ/TƯ được ban hành đến nay, ngành Khoa học xã hội và nhân văn đã đạt được những thành tựu quan trọng. Trong hàng loạt các vấn đề về kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, hoàn thiện hệ thống chính trị... đều có những đóng góp của ngành Khoa học xã hội và nhân văn. Nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào giáo dục, đào tạo, sử dụng trong thực tiễn, góp phần củng cố và phát huy, phát triển các giá trị nhân văn, lối sống tốt đẹp và nền văn hóa quốc gia, dân tộc.

Ngay sau khi Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ban hành, các quan điểm của nghị quyết đã nhanh chóng được triển khai và đi vào cuộc sống. Thể chế và thiết chế cho hoạt động khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị đã có những thay đổi lớn. Nguồn lực tài chính cho các hoạt động khoa học cũng được gia tăng. Các chương trình nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị được chú trọng triển khai và đặt hàng thường xuyên.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Lê, Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, Nghị quyết số 20-NQ/TƯ đã tạo nhiều điều kiện và động lực cho phát triển khoa học và công nghệ trên cả nước. Những nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn thời gian qua đã góp phần quan trọng trong nâng cao dân trí, thay đổi lối sống theo hướng hiện đại, nhân văn, tiến bộ, củng cố và phát huy các hệ giá trị, trao truyền, tiếp biến văn hóa, làm giảm thiểu các xung đột xã hội, củng cố khối đại đoàn kết, phát triển nhân cách, con người toàn diện. Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Lê, cơ chế, chính sách tài chính khi triển khai trong thực tiễn vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Còn Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đánh giá, môi trường sáng tạo ở Việt Nam chưa thật sự là môi trường học thuật, thông thoáng để khoa học xã hội và nhân văn thể hiện hết sức mạnh trí tuệ. Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của khoa học xã hội và nhân văn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong bối cảnh mới; chất lượng các nghiên cứu còn hạn chế, đội ngũ nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, vừa không đồng bộ. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu còn thấp và chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Việc đạo văn, “xào lại” tài liệu đang có những biểu hiện gia tăng. Việc thu hút giới trẻ vào hoạt động khoa học xã hội và nhân văn ở nhiều cơ sở nghiên cứu gặp khó khăn...

Đổi mới tư duy trong nghiên cứu

Để tạo những bước thay đổi đột phá, khắc phục những hạn chế, bất cập trong hoạt động nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Lê cho rằng, cần phải xác định các hoạt động nghiên cứu đặc thù của khối khoa học xã hội; xác định các hoạt động khoa học hoặc phục vụ khoa học để xác định rõ phạm vi áp dụng các quy định, hướng dẫn cho việc thực hiện các hoạt động này. Sửa đổi các định mức, đơn giá, quy định đã quá cũ, lạc hậu; chuyển đổi sang áp dụng tính chi phí thực hiện các hoạt động khoa học và các hoạt động phục vụ khoa học theo mức chi phí thực tế; tăng cường tự chủ cho các tổ chức sự nghiệp khoa học, nhất là tự chủ tài chính, tự chủ tuyển dụng nhân sự.

Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đề xuất xây dựng và hoàn thiện các tổ chức khoa học xã hội và nhân văn theo hướng: Gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách; tích hợp chuyên ngành, đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, hợp ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Ngoài ra, theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Khánh Vinh, cần xây dựng các trung tâm, nhóm nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách mạnh, hiện đại, làm hạt nhân cho việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học xã hội và nhân văn ở các lĩnh vực ưu tiên; tiếp tục hoàn thiện quản lý nhà nước về khoa học xã hội và nhân văn, sắp xếp lại các tổ chức quản lý khoa học của các bộ, ngành, địa phương phải đồng bộ, kết nối và phối hợp với nhau hài hòa, không mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở nhau.

Đề xuất giải pháp xây dựng và phát triển khoa học xã hội và nhân văn trong giai đoạn đến năm 2030, định hướng tới năm 2045, Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, cần tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò, vị trí của khoa học xã hội và nhân văn; có sự đầu tư tương xứng với tầm quan trọng của ngành; phát triển đội ngũ chuyên gia; cụ thể hóa các chính sách, pháp luật, nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại nêu trong Nghị quyết số 20-NQ/TƯ. Bảo đảm môi trường thuận lợi để khoa học xã hội và nhân văn phát huy vai trò tư vấn chính sách, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước; thúc đẩy công bố các công trình nghiên cứu ra thế giới, nhằm nâng cao vị thế, vai trò của khoa học xã hội và nhân văn trên trường quốc tế.

Thu Hằng