Đối phó nạn quay cóp, " chiêu" nào hữu hiệu?
Giáo dục - Ngày đăng : 07:40, 22/12/2006
Con số 89% SV ĐH, CĐ quay cóp mà Thanh tra Bộ GD-ĐT đưa ra sau cuộc khảo sát với gần 2.000 SV vừa qua không khiến người ta phải giật mình. Càng “giật mình” hơn vì các “chiêu” gian lận thi cử của học trò ngày càng tinh vi khó lường. Nhưng không phải không có cách để đối phó với những “chiêu” này.
"Vỏ quít dày có móng tay nhọn"
PGS TS Phạm Công Đoàn.
Tinh vi hơn là hiện nay, SV dùng “chiêu” buộc tài liệu vào dây chun ở cổ tay, khi thấy giám thị tới gần là thả tay ra, tự khắc “phao” sẽ trôi tuột vào trong ống tay áo. Nếu giám thị liên tục “đi tuần” trong phòng thi, thì cũng không khó để phát hiện ra những SV này. Bởi vì, sau mỗi lần thu “phao”, SV sẽ phải mất nhiều thời gian để kéo phao ra lòng bàn tay. Vì thế nếu đang viết bài trơn tru, mà sau khi giám thị tới gần thì lại ngồi gặm bút, một lúc lâu mới tiếp tục viết tiếp thì rất có thể SV đó đang dùng “chiêu” này.
Trong phòng thi, các SV còn nêu cao tinh thần “tương thân tương ái” bằng cách, sử dụng giấy than để kẹp giữa giấy thi và nháp, khi viết bài sẽ in nội dung lên giấy nháp. Viết hết trang nào thì chuyển trang đó cho SV khác chép. Thậm chí, SV còn phân công mỗi người làm một câu rồi trao đổi giấy nháp cho nhau. Cách tốt nhất để hạn chế kiểu gian lận này là, giám thị phải ghi số báo danh và ký tên vào từng giấy nháp thi, thường xuyên kiểm tra giấy nháp của SV.
Hiện nay, một số trường đã áp dụng thi trắc nghiệm khách quan, giúp giảm đáng kể tình trạng quay cóp. Tuy nhiên, nếu đề thi giống nhau thì các SV rất dễ trao đổi bài. Nhiều SV quy ước theo tiếng gõ bàn. Ví dụ, gõ một tiếng là hỏi câu 1, bên kia gõ 2 tiếng tức là phương án trả lời là phương án 2. Kiểu trao đổi này cực kỳ tinh vi và cách hiệu quả nhất để hạn chế là tráo đổi vị trí các câu hỏi trong đề thi trắc nghiệm.
Thi vấn đáp là một hình thức tưởng chừng rất khó để gian lận, nhưng những SV lười học thì vẫn tìm được cách đối phó. “Chiêu” thường được áp dụng là, SV vào trước bốc thăm và đánh dấu câu hỏi bằng những kiểu gấp khác nhau, sau đó thông báo cho những SV thi sau, kiểu gấp này ứng với câu hỏi nào. SV vào phòng thi cứ ung dung chọn trúng câu “tủ” của mình. Để tránh kiểu đánh dấu câu hỏi này, giám thị phải tự tay gấp tờ phiếu câu hỏi theo một quy chuẩn nhất định để đảm bảo mọi tờ phiếu đều giống nhau về hình thức.
Đẩy lùi quay cóp: không khó!
Trong buổi giao lưu trực tuyến với độc giả Báo điện tử Đảng Cộng sản VN vừa qua, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Quay cóp là căn bệnh của loài người chứ không phải chỉ riêng ở VN. Khi nào còn thi cử thì còn có tiêu cực.” Nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều nước trên thế giới, quay cóp đã không còn là vấn nạn nhức nhối như ở VN hiện nay. Dưới đây là một số ý kiến của các giảng viên, SV về biện pháp đẩy lùi vấn nạn này.
Quan trọng là ở khâu ra đề (PGS.TS Phạm Công Đoàn, Trưởng khoa Quản trị doanh nghiệp, ĐH Thương mại):
Những giáo viên giảng dạy lâu năm thì gần như đã thuộc làu làu cả cuốn giáo trình, chỉ cần đọc bài thi là biết SV nào chép từ sách ra. Bởi không SV nào có thể chép giống hệt sách nếu không quay cóp. Những trường hợp đó tuy không thể xử lý SV, nhưng chúng tôi sẽ xử lý cán bộ coi thi để xảy ra tình trạng này.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là khâu ra đề. Đề thi yêu cầu kết hợp lý luận trong sách với vận dụng thực tiễn, buộc SV phải hiểu bài mới có thể trả lời được câu hỏi. Hoặc đôi khi, chúng tôi ra đề với cùng nội dung trong sách nhưng cách hỏi khác nên SV muốn quay bài cũng chẳng biết phải chép ở đâu.
Trắc nghiệm với trên 100 câu hỏi thì không thể quay cóp (TS Nguyễn Kim Sơn CVP, ĐH Kinh doanh và Công nghệ)
TS Nguyễn Kim Sơn
Vào phòng thi, SV quét thẻ từ để hệ thống kiểm tra thẻ dự thi, sau 15 phút không quét thẻ, hệ thống sẽ tự cắt, SV đó không được thi. Nếu sinh viên vào sớm, hệ thống cũng không chấp nhận cho thi.
Mỗi SV làm bài thi trên một máy tính riêng. Để không xảy ra tình trạng trao đổi bài, quay cóp, đổi đáp án, mỗi thí sinh có một đề riêng. Hệ thống tự động đảo trật tự câu hỏi, đáp án sao cho hai người ngồi gần nhau không có thứ tự câu hỏi và thứ tự đáp án giống nhau.
Thí sinh làm xong câu hỏi nào, máy tính sẽ báo SV làm đúng hay sai và không hiện trở lại. Làm xong bài thi, ngay lập tức điểm thi sẽ hiện lên màn hình cho SV biết. Đồng thời, điểm thi cũng tự chuyển về máy chủ của nhà trường, tự cập nhật vào hệ thống quản lý và update trên website của trường.
Hơn nữa, việc thi trắc nghiệm này cũng chống được hiện tượng học tủ vì đề thi quét toàn bộ chương trình, và mỗi đề có hơn 100 câu hỏi.
99,9% SV quay cóp (Thuỳ Linh SV lớp 2A-03, ĐH Hà Nội):
Nếu hiểu “quay cóp” bao gồm cả mở tài liệu, chép bài của bạn, trao đổi bài, hỏi bài, cùng nhau soát lỗi trong phòng thi thì không chỉ 89% mà theo em là tới 99,9%.
Việc quay cóp bắt nguồn từ chính chương trình học và cách thi. Em thấy các trường ĐH ở nước ngoài thường chia môn học thành phần lý thuyết và thực hành riêng, khi thi kết hợp cả hai yếu tố đó thì cũng khó để quay cóp. Bên cạnh đó, nếu đề thi ra theo hướng mở, cho phép SV mang tài liệu vào phòng thi và phải vận dụng tư duy lẫn hiểu biết thực tế để làm bài, thì không cần phải bận tâm tới nạn quay cóp nữa.
Phạt thật nghiêm thì SV mới sợ (Đặng Hồng Nhung SV ĐH Hanze, Groningen, Hà Lan):
Đặng Hồng Nhung.
Hai SV trong lớp tôi đã bị đưa ra hội đồng kỷ luật trường vì giám thị phát hiện thấy một trong hai bạn đang "lẩm bẩm" gì đó trong phòng thi. Giám thị khẳng định SV đó đang đọc bài cho người kia chép. Hai SV đã phải thuê luật sư đến chứng minh mình không gian lận mới tiếp tục được học tại trường.
Một SV khác trong lớp cũng đã bị đuổi học vì bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi, dù chưa hề quay cóp.
Hầu hết, các SV ở đây đều rất có ý thức. Đọc đề bài thấy không làm được thì họ xin về sớm chứ không cố ở lại phòng thi để tìm cách mở tài liệu hay chép bài bạn. Có một số SV quay cóp, tuy không bị phát hiện nhưng đều không qua nổi năm thứ nhất thì bị đuổi học vì kết quả học tập quá kém.
Ở VN, việc xử lý SV gian lận trong thi cử còn chưa thực sự nghiêm khắc, nên SV còn chưa sợ. Nếu siết chặt quy định đuổi học những SV quay cóp và giám thị coi thi thật nghiêm thì SV sẽ hạn chế, thậm chí không dám quay cóp nữa.
Theo VNN