Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ: Cần luật hóa cơ chế “chấp nhận thất bại”
Công nghệ - Ngày đăng : 07:11, 21/10/2022
Học hỏi từ thất bại để tiến lên phía trước
Viện Hàng không vũ trụ Viettel, thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, là một trong những đơn vị đi đầu về đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Đầu năm 2016, Viện Hàng không vũ trụ Viettel được giao trọng trách phát triển hệ thống tổ hợp thiết bị quân sự công nghệ cao. Sau hơn 5 năm triển khai dự án, bắt đầu nghiên cứu gần như từ con số 0, đến nay, Viện Hàng không vũ trụ Viettel đã làm chủ nhiều công nghệ quan trọng. Đặc biệt, trong lĩnh vực kết cấu thiết kế vật liệu, dự án đã đánh dấu một bước tiến xa trong lĩnh vực cơ khí chính xác của Việt Nam. Theo lãnh đạo đơn vị, những thành tựu mà viện đạt được là kết quả của rất nhiều thất bại trước đó.
“Một trong những giá trị cốt lõi của Viettel đó là trưởng thành qua những thách thức và thất bại. Muốn đổi mới sáng tạo, thì biết chấp nhận thất bại là rất quan trọng, vì nỗ lực để tạo ra các sản phẩm với những công nghệ mới có rất nhiều rủi ro. Điều quan trọng là việc không ngừng học hỏi từ những thất bại để tiến lên phía trước”, lãnh đạo Viện Hàng không vũ trụ Viettel nhấn mạnh.
Quả thật, thất bại trong khoa học cũng là tiền đề cho thành công ở tương lai, vì sẽ giúp những người đi sau tránh không đi vào vết xe đổ của người đi trước, tránh nghiên cứu những vấn đề không áp dụng được trong thực tiễn. Tuy nhiên, theo GS.TS Hồ Sĩ Quý, nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có phương án cho những trường hợp đề tài, dự án nghiên cứu không thành công (về mặt khoa học). Mọi đề tài, chương trình, dự án khoa học... đều đòi hỏi phải đạt được kết quả, mục tiêu đã định. Nghĩa là, không có phương án cho những trường hợp kết quả nghiên cứu trái ngược với mục tiêu ban đầu, những nghiên cứu không đạt được kết quả do logic khoa học không cho phép. “Tất nhiên, điều này có cơ sở của nó. Song, nếu tất cả các đề tài, dự án đều không dự kiến cho những kết quả bất ngờ với mục tiêu ban đầu, thì rõ ràng là có điều gì đó không ổn thuộc về trình độ nghiên cứu hay logic sáng tạo”, GS.TS Hồ Sĩ Quý bày tỏ.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn cũng chia sẻ khó khăn chung trong việc phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện nay là chưa có cơ chế chấp nhận rủi ro. Không phải mọi nghiên cứu đều ra được sản phẩm, nhưng yêu cầu nghiên cứu xong phải ứng dụng, nếu không ứng dụng rất dễ quy ra thất thoát. Điều này dẫn đến tâm lý e dè, cái gì chắc ăn thì mới làm. Còn nghiên cứu để đổi mới, đột phá, đặc biệt trong nghiên cứu công nghệ cải tiến kỹ thuật, thì sẽ chẳng làm vì biết đâu có thể sẽ không ứng dụng được.
“Tôi vừa báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, tỷ lệ ứng dụng các đề tài khoa học, công nghệ của thành phố Hà Nội là khoảng 85%. Tỷ lệ này trong hoạt động khoa học là khá cao rồi, nhưng các thành viên trong đoàn vẫn yêu cầu phải giải trình 15% còn lại đã thất thoát đi đâu”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, nghiên cứu khoa học thì có thành công, có thất bại. Nếu làm, có thể 50% thành công, 50% thất bại, nhưng nếu không làm thì thất bại hoàn toàn. Cũng theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, cần có cơ chế để cho phép sai. Điều này sẽ giúp giải phóng nguồn lực trong các nhà khoa học và ngăn chặn tình trạng “chảy máu chất xám”.
Tiến sĩ Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: “Tôi đã gặp rất nhiều nhà khoa học trẻ và họ đã nói rằng, nếu chúng ta không có văn hóa thất bại, thì chắc chắn không thể thành công. Làm khoa học luôn luôn rủi ro. Nếu ai đó nói rằng cứ làm khoa học là phải thành công, giao 100 đề tài là phải thành công cả trăm đề tài là rất giáo điều. Làm khoa học mà thành công được vài chục phần trăm đã là tốt rồi. Ngay cả ở Hoa Kỳ, theo thống kê chỉ có 20% đề tài nghiên cứu của họ là thành công và được ứng dụng. Còn một số đề tài thành công, nhưng chưa ứng dụng được và cũng nhiều đề tài thất bại. Nói như vậy để thấy rằng, chúng ta phải chấp nhận “văn hóa thất bại” trong khoa học”.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Quân, nên có đầu tư mạo hiểm trong hoạt động khoa học. “Trong 10 dự án đầu tư mạo hiểm chỉ cần 1-2 dự án thành công, đủ mang lại lợi ích cho xã hội, bù đắp được thất bại của các dự án khác đã là thắng lợi. Nên để kinh tế thị trường phát huy tác dụng”, Tiến sĩ Nguyễn Quân nói.
Trưởng đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam Ramla Khalidi cho rằng, thất bại là mẹ thành công. Một trong những thách thức của Việt Nam là phải xây dựng được môi trường pháp lý có thể hỗ trợ và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Theo bà Ramla Khalidi, tinh thần chấp nhận thất bại và học hỏi, đúc rút từ thất bại để thành công nên được thể chế hóa và khuyến khích ở tất cả các cấp.