30 năm xây dựng và phát triển của Quỹ VIFOTEC
Công nghệ - Ngày đăng : 07:36, 29/10/2022
Chắp cánh cho các công trình khoa học
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi”, năm 1992, Quỹ VIFOTEC được thành lập.
Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, Quỹ VIFOTEC đã hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đặt ra: Hỗ trợ các đối tượng sáng tạo khoa học, công nghệ trong cả nước thông qua việc tổ chức các giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc; tôn vinh trí thức, góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Đến nay, Quỹ VIFOTEC đã tổ chức thành công 27 lần Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam; 16 lần Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc; 17 lần cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Đặc biệt, từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 165/2006/QĐ-TTg (ngày 14-7-2006) về việc đồng ý cho tổ chức Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam, hội thi và cuộc thi trên phạm vi toàn quốc, giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật các tỉnh, thành phố tổ chức thành 2 cấp là một bước tiến đột phá của phong trào sáng tạo, cơ bản giải quyết được bài toán về ngân sách cho các địa phương và trung ương.
Tập trung vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ trọng điểm của Nhà nước, thông qua các giải thưởng, hội thi và cuộc thi, các nhà khoa học và sáng tạo Việt Nam đã ứng dụng hiệu quả hàng nghìn sáng kiến, sáng chế vào sản xuất và đời sống, tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng, có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Điển hình như Giáo sư Huỳnh Phương Liên với công trình “Hoàn thiện công nghệ sản xuất và đánh giá hiệu quả của vắc xin viêm não Nhật Bản”; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thu Vân với công trình “Công nghệ sản xuất và hiệu quả của bộ sinh phẩm chẩn đoán HBsAg micro - Elisa và vắc xin viêm gan B”, hay như công trình “Áp dụng công nghệ sản xuất, chế phẩm Fito - Biomix RR xử lý rơm rạ tại ruộng thành phân bón hữu cơ cho cây trồng, nhằm bảo vệ môi trường” của Tiến sĩ Lê Văn Tri; công trình “Công nghệ, sản phẩm, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” của Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo... Nhiều doanh nghiệp đã trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ có tiếng trong nước và quốc tế...
Quỹ VIFOTEC có quan hệ rộng rãi với các nước và tổ chức quốc tế trong việc đẩy mạnh hoạt động sáng tạo khoa học, công nghệ. Hằng năm, Quỹ VIFOTEC đều tổ chức cho các nhà khoa học, các nhà sáng tạo trẻ tham gia hội thảo, triển lãm quốc tế về sáng tạo ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia... Với sự hợp tác chặt chẽ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), từ năm 2001, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc đã quan tâm, đánh giá cao hoạt động của Quỹ VIFOTEC và hợp tác với Quỹ để trao Huy chương vàng và giấy chứng nhận cho các tài năng của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC Phan Xuân Dũng, đạt được thành công đó là nhờ có sự nỗ lực, quyết tâm và tâm huyết của nhiều thế hệ lãnh đạo Quỹ; sự đồng lòng, nhất trí, tận tâm, trách nhiệm và sáng tạo đối với nhiệm vụ được giao của tập thể cán bộ, nhân viên Quỹ VIFOTEC. Đặc biệt, Quỹ đã luôn làm theo lời dạy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch danh dự đầu tiên của Quỹ, đó là: Khoa học - Công tâm - Liêm khiết - Hiệu quả. “Những lời dặn dò tâm huyết của Đại tướng đã trở thành sức mạnh và động lực để trong suốt chặng đường 30 năm, Quỹ VIFOTEC đã vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”, ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Để Quỹ ngày càng phát triển bền vững
Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, Chủ tịch Quỹ VIFOTEC Phan Xuân Dũng cho biết: “Chúng ta phải tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt, nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là phát huy mạnh mẽ nguồn vốn trí tuệ và sức sáng tạo của con người Việt Nam, lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ VIFOTEC Lê Xuân Thảo, một trong những khó khăn hiện nay là nguồn lực Quỹ còn hạn chế. “Trong những năm đầu hoạt động, nguồn lực của Quỹ dựa vào 3 nguồn chính: Nhà nước hỗ trợ (50%), các tổ chức cá nhân hỗ trợ (30%) và từ nguồn gửi tiết kiệm (20%). Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do các doanh nghiệp và các nhà tài trợ gặp nhiều khó khăn về tài chính, nên nguồn thu chủ yếu của Quỹ là từ sự hỗ trợ của Nhà nước”, ông Lê Xuân Thảo cho hay.
Để phong trào sáng tạo khoa học, công nghệ đi vào chiều sâu, thực chất và có hiệu quả cao hơn; cũng như để Quỹ VIFOTEC ngày càng phát triển bền vững và đạt được nhiều thành công hơn nữa, Giám đốc Quỹ VIFOTEC Nguyễn Xuân Tiến cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nghiệp vụ tham gia giải thưởng đến tận cơ sở; kiến nghị với Nhà nước cho vay vốn từ Quỹ Khoa học, công nghệ để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các công trình đoạt giải; có chính sách khuyến khích việc sử dụng các sản phẩm trong nước tạo ra, thay thế sản phẩm nhập ngoại...