Thiết thực bảo vệ tài nguyên nước

Công nghệ - Ngày đăng : 06:02, 01/11/2022

(HNM) - Nước là một nguồn tài nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người cũng như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp... Hiện nay, nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước ngày càng tăng cao, nguồn nước bị ô nhiễm, do vậy ngành Tài nguyên - Môi trường và các địa phương cần tăng cường quản lý, giám sát, có những giải pháp thiết thực bảo vệ tài nguyên này vì sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn nước hồ Suối Hai (huyện Ba Vì) là tài nguyên quan trọng phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân và cải tạo môi trường sinh thái.

Các thông số ô nhiễm vượt quy chuẩn cho phép

Việt Nam có hơn 3.450 sông, suối chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng dòng chảy hằng năm khoảng 844 tỷ mét khối nhưng chủ yếu tập trung vào mùa mưa, mùa khô chỉ chiếm 20-30% lưu lượng dòng chảy/năm. Nước có vai trò chủ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa Việt Nam trở thành cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới. Theo thông tin của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), cùng với việc đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước sạch tại các đô thị, trên 62% tại khu vực nông thôn, nước góp phần không nhỏ trong phát triển các ngành sản xuất công nghiệp, du lịch, dịch vụ và bảo đảm an ninh năng lượng trong thời gian qua...

Tuy nhiên, quyền Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp cho biết, kinh tế - xã hội phát triển dẫn đến nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước tăng cả về số lượng và chất lượng, trong khi nguồn nước có hạn. Do đó, việc gia tăng nhu cầu sử dụng nước đồng nghĩa với việc tăng lượng nước thải vào nguồn nước. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm tài nguyên nước. Cụ thể, tại Hà Nội đã rà soát được gần 1.900 điểm xả nước thải vào hệ thống thủy lợi, riêng lưu vực sông Nhuệ - Đáy có 1.535 điểm, gồm 782 điểm xả nước thải có nguồn gốc dân sinh và 753 điểm xả thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề… Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy: 14 điểm quan trắc trên sông Nhuệ, chất lượng nước chưa được cải thiện, hàm lượng các thông số ô nhiễm như: Amoni, Phosphat, Nitrit… vượt quy chuẩn cho phép lên tới 9,45 lần; quan trắc 20 điểm trên sông Đáy, chất lượng nước ở mức trung bình, tuy nhiên vào mùa khô vẫn có những vị trí như cầu 72 (huyện Hoài Đức), cầu Mai Lĩnh (quận Hà Đông)… bị ô nhiễm bởi Amoni, Phosphat, E.coli.

Theo Báo cáo Tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021 vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố: Kết quả quan trắc chất lượng nước mặt tại 1.070 vị trí trên các sông ở 38 tỉnh, thành phố cho thấy, nguồn nước bị ô nhiễm cục bộ ở những đoạn sông chảy qua khu vực đông dân cư, khu vực đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. Chất lượng nước dưới đất trên các vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều bị ô nhiễm ở nhiều mức độ khác nhau…

Người dân huyện Mê Linh sử dụng nguồn nước ngầm để sản xuất rau an toàn. Ảnh: Đức Duy

Triển khai các giải pháp bảo vệ

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, để bảo vệ nguồn nước cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua thành phố Hà Nội đã thực hiện đầy đủ chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý tài nguyên nước. Thành phố xác định bảo đảm an ninh nguồn nước là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong đó, thành phố đã, đang triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường nước như: Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu, cụm công nghiệp, nước thải sinh hoạt, đô thị, làng nghề… trên địa bàn. Hiện tại, Hà Nội đang xây dựng Đề án tổng thể cải tạo, xử lý ô nhiễm nguồn nước các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Nhuệ, Đáy… nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và bảo vệ môi trường.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh, quy hoạch tài nguyên nước quốc gia sẽ giúp định hướng tổng thể việc điều hòa, phân phối công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng ở các vùng, địa phương nhằm bảo đảm chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội... Do vậy cần sớm thông qua Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm chủ động được nguồn nước trong mọi tình huống do ô nhiễm, suy thoái, thiên tai gây ra…

Ngoài ra, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đề ra 6 giải pháp bảo vệ nguồn nước, gồm: Giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; giải pháp về tuyên truyền nâng cao nhận thức; giải pháp về đào tạo, tăng cường năng lực; giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch. Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường ưu tiên công tác điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã yêu cầu các địa phương tăng cường các giải pháp giữ nước ngọt với quy mô phù hợp từng vùng, từng lưu vực sông nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng thiếu nước vào mùa khô; đồng thời thực hiện các giải pháp bổ sung nhân tạo nước dưới đất. Các cơ quan chức năng sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến để theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước liên quốc gia, phát hiện những vấn đề bất thường về lưu lượng, mực nước, chất lượng nguồn nước…, qua đó quản lý, bảo vệ hiệu quả nguồn tài nguyên nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh của Thủ đô và đất nước.

Hoàng Sơn