Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển
Công nghệ - Ngày đăng : 19:16, 03/11/2022
Tham dự lễ mít tinh có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân; Chủ tịch Ủy ban quốc gia Con người và Sinh quyển của Việt Nam Nguyễn Hoàng Trí; lãnh đạo thành phố Hải Phòng; đại diện UNESCO tại Hà Nội, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam...
Phát biểu tại lễ mít tinh, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Tại Việt Nam, năm 2000, Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Trong suốt hơn 20 năm qua, hệ thống khu dự trữ sinh quyển Việt Nam đã được phát triển, mở rộng. Đến nay, Việt Nam có tổng số 11 khu dự trữ sinh quyển đã được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia.
Trân trọng ghi nhận thành tựu này, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá, các khu dự trữ sinh quyển thế giới của nước ta không chỉ là danh hiệu được UNESCO công nhận mà còn đang dần trở thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Nhiều khu dự trữ sinh quyển sau khi được ghi danh đã trở nên nổi tiếng thế giới, thu hút đông đảo khách du lịch tới tham quan, nhờ đó tốc độ phát triển nhanh hơn gấp nhiều lần, điển hình như Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà...
Chia sẻ về công tác bảo tồn gắn với phát triển khu dự trữ sinh quyển, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, thời gian qua, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã triển khai bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả, đúng quy định theo các phân vùng của Khu dự trữ sinh quyển; các dự án trồng rừng, làm giàu rừng được thực hiện đã làm phong phú thêm các thảm thực vật, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sống cho các loài động vật đặc hữu phát triển.
Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đã được UNESCO quốc tế ghi nhận thực hiện thành công phương châm "Bảo tồn cho phát triển – Phát triển cho bảo tồn" và khung hoạt động "Tư duy hệ thống – Quy hoạch cảnh quan – Điều phối liên ngành - Kinh tế chất lượng"...
Những hoạt động đó đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế xã hội tại Hải Phòng.
Nhìn nhận rõ những thách thức trong sự cân bằng mối quan hệ này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân chia sẻ, việc quản lý và phát triển các khu dự trữ sinh quyển thế giới còn những tồn tại, hạn chế, việc đạt được mục tiêu vừa bảo tồn, vừa phát triển kinh tế còn gặp không ít khó khăn; đa dạng sinh học ở Việt Nam đang tiếp tục bị suy giảm; một số mục tiêu của chiến lược không đạt mong muốn.
Để tiếp tục thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị các cơ quan trung ương, UBND các tỉnh, thành phố có khu dự trữ sinh quyển và các bên có liên quan phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến về giá trị và tầm quan trọng của các Khu dự trữ sinh quyển đối với sự sống của con người và thiên nhiên, đồng thời kêu gọi mọi người dân cùng cam kết bảo vệ, sử dụng bền vững các dịch vụ hệ sinh thái, tăng cường quản lý và phát huy chức năng về bảo tồn, hỗ trợ và phát triển của các Khu Dự trữ sinh quyển tại địa phương.
Cùng với đó, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, giáo dục và phát huy các giá trị văn hóa của khu dự trữ sinh quyển; áp dụng các mô hình sinh kế bền vững, thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; xây dựng các khu dự trữ sinh quyển trở thành các mô hình mẫu về phát triển bền vững.
Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục rà soát, hướng dẫn các địa phương thành lập, xây dựng các khu dự trữ sinh quyển thế giới, phấn đấu đến năm 2030 nước ta có tổng số 15 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận...