Nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp
Công nghệ - Ngày đăng : 07:18, 05/11/2022
Vẫn còn nhiều điểm nghẽn
Thời gian qua, những giá trị tạo ra từ kết quả nghiên cứu khoa học được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật… đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đưa Việt Nam trở thành một trong 15 quốc gia đứng đầu về xuất khẩu nông sản. Khoa học và công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp và 38% giá trị gia tăng trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Đây là giải pháp then chốt tạo đột phá về năng suất, chất lượng hàng nông sản và năng suất, hiệu quả lao động trong nông nghiệp.
Mặc dù đóng góp rất lớn vào tăng năng suất và chất lượng nông sản nhưng hoạt động nghiên cứu khoa học nông nghiệp ở nước ta hiệu quả chưa cao, số lượng các sản phẩm liên quan đến khoa học ứng dụng cũng như các sản phẩm khoa học tạo ra từ nguồn ngân sách nhà nước được thương mại hóa còn ít, ứng dụng thực tiễn vẫn thấp... Trong 10 năm trở lại đây, chỉ có khoảng vài chục giống cây trồng mới do các viện, trường chọn, tạo được chuyển giao cho các doanh nghiệp. Việc chuyển nhượng bản quyền công nghệ còn chậm, các lĩnh vực khác như quy trình công nghệ trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản và thủy sản, bản vẽ, thiết kế máy nông nghiệp… hầu như chưa được chuyển nhượng trên thị trường khoa học, công nghệ.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hầu hết các loại giống cây trồng từ lúa, hoa màu, rau, quả đến các giống vật nuôi cao sản, máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp... là nhập ngoại. “Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn kém, do chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng thấp, kích cỡ không đồng đều. Sản phẩm nông sản của Việt Nam xuất khẩu ở dạng thô, chưa qua chế biến chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên cho biết.
Việt Nam cũng chưa có những trung tâm nghiên cứu xứng tầm. Hiện tại, các cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên thông, chưa tạo ra hình ảnh của nền nghiên cứu khoa học nông nghiệp của một quốc gia có nông nghiệp là trụ đỡ...
Nâng hiệu quả chuyển giao khoa học, công nghệ
Để các nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp không bị lép vế, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan, các nhà khoa học cần tạo ra những sản phẩm công nghệ nguồn, sản phẩm phục vụ cho các địa phương, người dân ứng dụng. “Ban đầu phải gắn kết nhà khoa học với cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người sử dụng. Nếu thực hiện tốt việc gắn kết này, sẽ chuyển giao được sản phẩm”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lan gợi ý.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuất, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), cơ quan quản lý trực tiếp các đơn vị nghiên cứu và bản thân các đơn vị nghiên cứu phải có cơ chế giám sát, kiểm tra, thẩm định, đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu, nhằm bảo đảm chất lượng thực sự của công trình. Đồng thời cần có cơ chế điều chỉnh linh hoạt các đề tài nghiên cứu ngay trong quá trình thực hiện để phát huy được hiệu quả tốt nhất.
Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Viên cho rằng, Nhà nước cần tổ chức lại hệ thống các viện công lập nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo hướng tập trung đầu mối quản lý, nhưng tăng tính độc lập chuyên môn sâu cho các đơn vị nghiên cứu cấp phòng, bộ môn, nhà khoa học. Xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành, liên ngành có chiến lược cụ thể và tạo ra được sản phẩm thực tiễn phục vụ trực tiếp trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, các vùng nông thôn mới, văn minh. Cần thúc đẩy mạnh nghiên cứu mô hình nông nghiệp trong tương lai có tính cạnh tranh cao của Việt Nam, mô hình trang trại, các cây trồng, vật nuôi lợi thế trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xu thế tiêu dùng toàn cầu.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc VAAS cho biết, để sản phẩm khoa học, công nghệ tham gia được vào thị trường thì sản phẩm đó cần đạt một số tiêu chí: Chất lượng và hàm lượng khoa học cao; đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, có khả năng áp dụng vào sản xuất trên diện rộng; mang lại lợi nhuận cho sản xuất, kinh doanh.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thế Anh cho biết thêm, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ban hành ngày 21-6-2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đi vào thực hiện sẽ thúc đẩy các đơn vị nghiên cứu tự chủ hơn về tài chính theo hướng gần với doanh nghiệp khoa học, công nghệ. Để cải thiện hiệu quả và chất lượng chuyển giao khoa học, công nghệ nông nghiệp, các đơn vị nghiên cứu cần hình thành các bộ phận marketing nắm bắt nhu cầu khoa học, công nghệ của sản xuất và thị trường để định hướng nghiên cứu.
Các thủ tục của thị trường khoa học, công nghệ cũng cần được cải cách, tạo điều kiện cho các bên tiếp cận thuận tiện, nhanh chóng. Các thủ tục đăng ký bản quyền cần được đơn giản hóa; có chính sách bảo vệ bản quyền đối với những sản phẩm khoa học, công nghệ, các sáng chế, bảo đảm quyền lợi cho những nhà sáng chế, nghiên cứu. Luật Sở hữu trí tuệ cần được thực hiện nghiêm để khuyến khích các nhà khoa học dựa trên cơ chế thị trường.
Cần thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu liên ngành theo chuỗi giá trị để đáp ứng sự mong đợi của các doanh nghiệp... Các đề tài đặt hàng của Nhà nước nên giao theo nhóm chuỗi giá trị. Đây là cơ sở để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuỗi và để đào tạo được các nhà khoa học có trình độ cao.