Trang phục truyền thống của người Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 08:53, 19/12/2006
Trang phục truyền thống của người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng có thể đạt tới đỉnh cao về kỹ thuật thủ công cho phép. Trang phục truyền thống đã thực sự đáp ứng nhu cầu mặc của con người cả về giá trị sử dụng và giá trị thẩm mỹ. Giá trị thẩm mỹ trang phục Hà Nội có thể nhìn dưới rất nhiều góc độ, nhưng nhìn chung nó được thể hiện ở kỹ thuật tinh xảo trong việc dệt lụa để tạo nên các loại vải mềm mại, bóng mịn và các loại hoa văn dệt chìm trong vải cùng với các đường nét thêu thùa, trang trí... Đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc có nền văn hiến lâu đời.
Nghề dệt là nghề làm ra sản phẩm đầu tiên để tạo nên trang phục, nghề dệt và kỹ thuật của nó như nền móng để tạo nên vẻ đẹp của trang phục. Nghề dệt vải lụa là một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của Thăng Long - Hà Nội. Xưa có những phường, thôn chuyên về dâu tằm như làng Nghi Tàm với truyền thuyết về bà chúa Quỳnh Hoa, Làng Dâu thuộc xã Nghĩa Đô, các làng Thanh Trì, Thúy ái đã đi vào những câu ca dao cổ:
Thanh Trì buôn bán mọi nơi
Đồng Nhân, Thúy ái là nơi chăn tằm.
Trong một bản báo cáo gửi triều đình Huế vào cuối thế kỷ XIX chính quyền địa phương đã xếp các làng này vào loại “làng đặc sản dâu tằm”.
Các truyền thuyết ở các làng cũng được lịch sử nghề này về những thời kỳ quá khứ xa xưa của Thăng Long như sự tích tổ sư làng dệt Trích Sài, làng Phú Xá (làng Xù), làng Phú Gia (làng Gạ) nổi tiếng với nghề tằm tang: “Xù, Gạ thì giỏi chăm tằm!”.
Sản phẩm dệt từ sợi tơ tằm hết sức phong phú như lụa, lĩnh lượt, đọa, nái, thao... Kỹ thuật dệt cũng đạt đến trình độ rất tinh xảo. Mỗi thời kỳ lại có những loại hàng đặc sản mới làm tăng thêm sự phong phú của các mặt hàng dệt. Không ngừng dệt được các loại lụa nổi tiếng với các loại vân phượng thọ, chữ triện, chữ kỷ, vân tứ quý, vân hồng điệp, vân trúc điều mà chất lượng hàng lụa dệt còn tinh xảo tới mức trở thành nghệ thuật với độ dày, mỏng, mềm mại mịn màng khác nhau. Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Phố phường Hà Nội xưa” đã mô tả về các loại lụa của Hà Nội như sau: “Sa dệt rất mỏng, dùng làm áo ngoài với ý khoe tấm áo trong. Mặc áo Sa ra ngoài áo trắng làm màu trắng nhũn nhặn. Có thứ Sa lộng lẫy, xuyến cũng như the, nhưng cứ mấy sợi dệt mau lại mấy sợi dệt thưa tan như mành. Băng thì dệt như mạng cầu, trong suốt hay hoa lác đác. Mùa lạnh người tachuộng đũi, đó là thứ lụa dệt bằng sợi xe lại nên dày, nổi cách”. Với những chất liệu tinh xảo đó, phụ nữ Hà Nội khi xưa hay mặc áo năm thân, đó là bộ trang phục được tạo hình rất phù hợp với chất liệu vải vóc tạo nên dáng mềm mại và uyển chuyển, duyên dáng, sang trọng và kín đáo. Phụ nữ trong những dịp trang trọng như cưới xin, hội hè, lễ tết thường mặc áo mớ ba mớ bảy chiếc áo mặc lồng vào nhau, mỗi cái mang màu sắc khác nhau nhưng nguyên tắc phối màu bao giờ cũng là sự chủ đạo của các màu trầm và dịu, nhưng màu tuyệt đại bộ phận các thứ hàng khác khi dệt xong vào còn nguyên màu vàng hay trắng bệch của tơ. Dân làng Đồng Lầm thường lợi dụng bùn của hồ Bảy Mẫu để dấu nâu, còn dân làng Võng Thị chuyên nhuộm đen hàng lĩnh bằng nước lá bàng, lá sồi lá dấu bùn trong 7 ngày liền hoặc dùng kỹ thuật chuội, tức là dùng chống chua, làm cho tơ mất màu vàng và chuyển sang trắng...
Nguyễn Trãi đã ghi trong Thượng Kinh phong vật chí: “Phường Hàng Đào - Đại lợi làm nghề nhuộm màu: màu trắng trắng như tuyết, không điểm nhọ đen, màu đỏ đỏ như tiết, để làm không phai bạc, màu đen như nhuộm mực, màu huyền thì trong sắc đen có pha sắc tía, trong một màu mà khác hẳn nhau, có màu hồng nhạt, màu đỏ rất tươi mà màu tía không át được...” Điều đó chứng tỏ kỹ thuật nhuộm màu của Thăng Long xưa đã đạt đến trình độ nghệ thuật.
Có một nghề xưa cũng rất phát triển ở Thăng Long, nhằm mục đích trang trí cho trang phục thêm phần nghệ thuật và sang trọng đó là nghề thêu. Nghề thêu trên vải đòi hỏi kỹ thuật cao, sự tỉ mỉ, công phu. Có lẽ vì vậy mà ngày xưa nghề thêu chỉ phục vụ chủ yếu cho nhu cầu đẳng cấp thống trị, vua quan, một số ít thị dân giàu có và một phần vào trong các công việc tế lễ, thờ cúng. Nghề thêu ở Thăng Long xưa là do dân các làng Quất Động và một số làng lân cận di cư ra và tập trung ở hai nơi: phố Yên Thái còn có một ngôi đình gọi là “Tú Đình thị” (đình thờ thêu), thờ tổ sư Lê Công Thành, tại ngôi đình này, ngày trước thường mang bán các thứ hàng thêu trong dịp tết và là nơi hội họp của bà con phường thêu.
Từ những chất liệu tinh xảo đó, phụ nữ Hà Nội khi xưa thường mặc áo năm thân. Đó là bộ trang phục được tạo hình rất phù hợp với chất liệu vải vóc, tạo nên dáng vẻ mềm mại và uyển chuyển, duyên dáng, sang trọng. Phụ nữ trong những dịp trang trọng như cưới xin, hội hè, lễ tết thường mặc áo mớ ba mớ bảy. Đó là bộ áo dài gồm ba chiếc thậm chí có khi đến bảy chiếc mặc lồng vào nhau, mỗi cái mang một màu sắc khác nhau, nhưng nguyên tắc của sự phối màu bao giờ cũng là sự chủ đạo của các màu trầm và dịu. Những màu quá rực thường chỉ làm nền hoặc lấp ló bên trong để điểm xuyết.
Thiếu nữ Hà Nội khi xưa thường vấn khăn nhiễu tím hay khăn đen với đường ngôi chẻ chính giữa đầu làm cho khuôn mặt thêm đoan trang, dịu dàng. Bên cạnh vành khăn tròn lẳn thường buông rủ món tóc đuôi gà nhằm khoe bộ tóc đen dài, mượt mà qua cái đuôi gà vắt vẻo.
Chất liệu vải truyền thống không những đem lại vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm cho bộ nữ phục, mà còn góp phần tạo nên vẻ đẹp trang trọng, lịch lãm cho bộ nam phục. Ngày thường nam giới có thể giản dị hơn trong bội áo dài bằng the đen mặc lồng vào bên trong một chiếc áo dài vải trắng những khi lễ tết hay vào những dịp quan trọng hay các vị quan chức khi vào chốn công đường thì đều mặc áo gấm màu xanh lam hay đỏ điều hay áo may bằng các loại vải quý như vóc, đoạn, sa tanh, sa trơn, sa hoa, the hoa... Khi mặc áo dài bao giờ cũng phải đội khăn lượt đen (khăn xếp). Khăn đen có 5 vành xếp chồng lên nhau, 5 lần xếp tượng trưng cho 5 đức tính của đạo Nho (Nhân - Nghĩa - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín) và cũng thể hiện trách nhiệm của người đàn ông trong năm mối quan hệ chủ đạo của Nho giáo: quân - thần; phụ - tử; huynh - đệ; bằng - hữu; phu - thê.
Người Hà Nội khi xưa rất coi trọng việc ăn mặc, đó là ứng xử đầy tinh tế về sự tôn trọng cộng đồng. Trang phục thậm chí được xem như một yếu tố quan trọng để tạo nên đức hạnh của một người đàn bà, đó là chữ Dung trong tứ đức của phụ nữ Việt. Bởi thế phụ nữ Hà Nội xưa phàm đã ra đến ngoài đường hay dù ở trong nhà mà xuất hiện trước mắt người lại đều phải mặc áo dài.
Những làng nghề truyền thống trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa, thêu thùa trang trí... đã mất dần đi trong quá trình đô thị hóa của Hà Nội; Trang phục bao giờ cũng mang đậm tính thời đại (thời trang) do đó luôn phải biến đổi để phù hợp với xu hướng toàn cầu và giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ nhất là vị trí ở Thủ đô của cả nước, nhưng Hà Nội vẫn luôn tự hào về một tà áo dài truyền thống thướt tha luôn hiện hữu trong đời sống thời trang, về một thẩm mỹ tinh tế, một bản lĩnh vững vàng để không đánh mất đi những sắc thái riêng trong văn hóa trang phục.
Nguyễn Minh Đức