Nâng cao hiệu quả thực hiện Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước
Công nghệ - Ngày đăng : 12:23, 09/11/2022
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng nêu rõ: Nguồn nước là sự sống, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển của đất nước, sinh kế của người dân. Bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước luôn được Đảng, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước vẫn còn hạn chế và đối mặt với nhiều thách thức. Ngày 23-6-2022, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW, trong đó đề ra mục tiêu tổng thể dài hạn, các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và yêu cầu triển khai 9 nhóm giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu để bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận xung quanh các vấn đề như: Tình hình ngập lụt các đô thị vùng Đồng bằng Bắc Bộ; giải pháp an ninh nước cho đồng bằng sông Hồng; những thách thức đối với đồng bằng sông Cửu Long và định hướng giải pháp thủy lợi; thách thức về nguồn nước và lũ lụt trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và giải pháp; định hướng về phòng, chống, giảm thiểu tác động bất lợi của thiên tai liên quan đến nước và biến đổi khí hậu ở miền Trung; làm gì để nâng cao hiệu quả thực hiện kết luận 36-KL/TW ngày 23-6-2022...
Đề cập đến công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, GS.TS. Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thuỷ lợi Việt Nam cho rằng, tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước hiện nay chưa hợp lý, còn phân tán, chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả; nhất là giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt là việc phân chia chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ phân phối tài nguyên nước và chức năng quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng, phát triển nguồn nước, quản lý hệ thống công trình thủy lợi và phòng, chống thiên tai ở hai Bộ khác nhau. Mặc khác, Luật Tài nguyên nước không nói đến điều hòa dòng chảy, phát triển tài nguyên nước, không nói đến xây dựng công trình và quản lý phân phối nước sau khi công trình được xây dựng… nên rất khó để quản lý tài nguyên nước. Các sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm rất lớn trong việc thẩm định các dự án thủy lợi nhỏ ở địa phương nhưng nhiều nơi không có cán bộ thủy lợi…
Để giải quyết tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm kinh phí đầu tư cho hai quy hoạch song song là Quy hoạch tài nguyên nước và Quy hoạch thủy lợi, GS.TS Đào Xuân Học đề xuất nên đưa công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng, phát triển tài nguyên nước và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai về một đầu mối.
GS. TS Lê Kim Truyền đánh giá Kết luận 36-KL/TW là thời cơ, là điểm tựa để ngành thủy lợi phát triển. Theo bà, để Kết luận 36-KL/TW đi vào cuộc sống, cần phải xây dựng các chương trình. Từ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nêu trong kết luận 36-KL/TW, bà đề xuất xây dựng 9 chương trình như: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về vị trí của tài nguyên nước; tái cơ cấu quản trị ngành nước, rà soát bố sung thể chế chính sách, tăng cường quản lý các công trình xây dựng theo tiêu chuẩn, tiêu chí tiến bộ phù hợp với điều kiện nước ta; rà soát đánh giá quy hoạch thủy lợi và nhiệm vụ, chất lượng các công trình đã có, khả năng tăng thêm dung tích hồ, khả năng trữ nước trong lưu vực sông; áp dụng kinh nghiệm quốc tế và tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng hiệu quả trong quản lý vận hành đảm bảo an toàn hồ đập, giảm thiểu ngập lụt hạ lưu…
Hội thảo ghi nhận các ý kiến đóng góp, các giải pháp được các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, tư vấn chính sách về chuyên ngành đưa ra. Đây sẽ là những luận cứ khoa học góp phần nâng cao hiệu quả thực thi Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị trong thời gian tới.