Hoàn Kiếm viết tiếp bản anh hùng ca
Xã hội - Ngày đăng : 15:54, 18/12/2006
Hoàn Kiếm tự hào có khu phố cổ, là di sản kiến trúc, văn hóa của thủ đô. Nơi đây có 170 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và kháng chiến. Thành phố có chương trình bảo tồn, tôn tạo và cải tạo phố cổ theo hướng giữ gìn phong cách toàn bộ khu phố cổ đồng thời đáp ứng yêu cầu về môi trường sống của đô thị hiện đại.
Hà Nội những ngày đông, mưa bụi nhẹ giăng trên những mảng tường rêu phong nơi phố cổ. Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh ở Vườn hoa Vạn Xuân nhộn nhịp những bước chân. Trong câu chuyện giữa các chiến sĩ quyết tử, những "Vệ út" năm xưa với thế hệ trẻ, sâu đậm là ấn tượng về những ngày đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp ở thủ đô, quyết liệt và hào hùng, với những trận chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo.
20 giờ 3 phút tối 19-12-1946, từ pháo đài Láng, đại bác của quân ta gầm lên nã đạn vào quân giặc, mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng. Công nhân phá Nhà máy điện Yên Phụ. Các lực lượng vũ trang, tự vệ đồng loạt tiến công các vị trí của địch. Cột điện, cây cối đổ rầm rầm. Tiếng cuốc đào đường, tiếng xe bò chở đất, cát, gạch đắp ụ súng hối hả. Xe điện, xe lửa bị lật nhào ở các ngã ba, ngã tư đường phố. Bàn ghế, hòm xiểng, sập gụ, tủ chè được đưa ra làm chướng ngại vật. Những ụ súng bằng kiện sợi, kiện gai ở phố Hàng Bông, Hàng Gai, các thùng đồ sứ ở phố Hàng Bát thể hiện tấm lòng của người dân thủ đô với kháng chiến.
Cả Hà Nội bắt đầu cuộc toàn quốc kháng chiến tình nguyện và kiên định. Sau các ụ súng, dưới giao thông hào, các chiến sĩ đọc cho nhau nghe lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vững thêm chí khí giết giặc, cứu nước. Ở Bắc Bộ Phủ, chiến sĩ ta vừa chặn giặc vừa hát bài "Diệt phát xít". Hai mươi tự vệ công nhân bưu điện đã chiến đấu đến người cuối cùng ở Bờ Hồ. Rất nhiều gương anh dũng như thế, ở khắp Hà Nội.
Hàng vạn đồng bào ở các khu phố sẵn sàng chiến đấu bên cạnh lực lượng vũ trang. Phụ nữ trực tiếp cứu thương, tiếp tế, thiếu niên xung phong làm liên lạc. Nhân dân Hà Nội phát huy nhiều sáng kiến giết giặc. Những chiến lũy giăng đầy bom mìn, nối các dãy phố. Ðánh chặn các mũi tiến công của địch, nơi nào cũng xuất hiện những tổ bắn tỉa. Giao thông hào xuyên qua từng nhà dọc các dãy phố. Mỗi khu phố là một pháo đài. Ðội quân cảm tử ôm bom ba càng luôn túc trực, sẵn sàng lao vào xe tăng địch. Ðường giao thông từ Hà Nội đi các nơi bị triệt phá. Liên lạc của địch từ Hà Nội đi các nơi bị tê liệt.
Từ đêm 23-12, các lực lượng vũ trang chiến đấu ở Liên khu I không phá vòng vây, kiên quyết trụ ở trung tâm thành phố. Ðịa bàn Liên khu I có nhà máy điện, nhà máy nước, đầu mối giao thông nối với sân bay Gia Lâm, tập trung các cơ quan chủ yếu của chính quyền cách mạng được xác định là khu vực trọng yếu. Ðường phố hẹp, nhiều ngõ sâu, đường hẻm, thuận lợi cho chiến thuật phòng ngự và lối đánh du kích, nên địa bàn này trở thành "chốt thép" thu hút lực lượng và giữ chân địch. Ta và địch giằng co từng căn nhà, góc phố, đối diện nhau ngay trên từng con phố.
Các phố Hàng Bát, Hàng Vải, Hàng Bút ở sát nơi đóng quân trong thành của giặc mà sau hai tuần chúng vẫn không chiếm được. Ở phố Hàng Gai, chúng ta giữ dãy nhà số chẵn, địch chiếm dãy nhà số lẻ. Ban đêm, các chiến sĩ tự vệ luồn vào các khu địch chiếm, quấy rối, đốt phá. Hàng trăm trận chiến "giáp lá cà" khiến thực dân Pháp không kịp trở tay.
Các chiến sĩ trẻ trung, sung sức ngày ấy giờ đã cao niên nhưng giọng kể vẫn hào sảng. Câu chuyện có những khoảng lặng xúc động, rưng rưng nhớ đến các chiến sĩ cảm tử "chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho Hà Nội". Bác Trần Thị Kim Tôn, nguyên chiến sĩ liên lạc Liên khu I kể về Tết Ðinh Hợi năm 1947, trong vòng vây của địch được ăn Tết có bánh chưng xanh, hoa đào Nhật Tân và những phong thư từ hậu phương gửi vào. Bác bảo: "Ðó là cái Tết không thể nào quên".
Bác Vũ Tâm, nguyên tự vệ thành khu Ðồng Xuân giọng say sưa, hứng khởi kể lại trận đánh ở khu vực Ðồng Xuân ngày 14-2-1947: Sáng sớm, cả khu Ðồng Xuân rung chuyển. Máy bay địch ném bom theo trục đường Hàng Mã, Hàng Chiếu đến Ô Quan Chưởng. Ðại bác địch nã vào các phố Hàng Rươi, Hàng Lược, Hàng Ðồng, Lò Rèn, Hàng Sắt... Xe bọc thép chở một trung đội địch tiến vào theo đường Hàng Giấy xuống phố Ðồng Xuân. Bốn xe tăng, xe bọc thép ở ngã ba Hàng Khoai, Trần Nhật Duật... 12 giờ trưa, địch mở cuộc tiến công lần thứ ba.
Các loại hỏa lực địch bắn dồn dập, xe tăng địch yểm hộ cho bộ binh xông vào trong chợ. Hai tiểu đội của ta ào ra đánh giáp lá cà. Khi hết đạn, các chiến sĩ cảm tử dùng dao găm, báng súng, chai xăng cờ-rếp, chai vôi bột đá sỏi... tới lúc chỉ còn dao thái thịt vẫn xông lên chém giặc. Hơn 200 tên địch bị giết. Ðêm hôm đó, bị ta tập kích bất ngờ, địch phải bỏ trống khu chợ Ðồng Xuân.
Sau khi gây thiệt hại nặng và giam chân địch được hai tháng, đêm 17-2-1947, được sự giúp đỡ của nhân dân, Trung đoàn thủ đô bí mật theo con đường xuyên qua phía bắc cầu Long Biên lên Nghi Tàm vượt sông Hồng, thoát khỏi vòng vây của giặc Pháp an toàn. Kể về đêm rút quân ấy, bác Nguyễn Trọng Hàm nhớ như in cảm giác khi nằm nín thở chờ đến lượt qua sông. Ðêm ấy gió to, trời rất lạnh, nghe tiếng gió rít qua dây điện thoại chăng ngang cầu Long Biên ngân rung như tiếng nhạc. Trong giờ phút hiểm nguy, người Hà Nội vẫn lạc quan như thế.
Phần lớn địa bàn Liên khu I nay thuộc quận Hoàn Kiếm, khu vực trung tâm của thủ đô. Tự hào về truyền thống cách mạng, quận Hoàn Kiếm đang vươn lên, phát triển kinh tế - xã hội trở thành một trong những quận mạnh của thủ đô. Trận địa năm xưa giờ đây là những khu phố buôn bán sầm uất, tấp nập. Những dãy phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Ngang, Hàng Ðào... đông đúc, hàng hóa đầy ắp và rực rỡ sắc mầu, là điểm dừng chân không thể thiếu trong các chương trình du lịch. Nhịp sống công nghiệp và đô thị hóa đang diễn ra sôi động hằng ngày trên vùng đất lịch sử này.
Những năm gần đây, sản xuất công nghiệp trên địa bàn quận có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp ngoài quốc doanh năm nay ước đạt hơn 653 tỷ đồng, số vốn huy động cho đầu tư phát triển sản xuất là 32 tỷ đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 677 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm 2005, chiếm gần 29% tổng số thu ngân sách của 14 quận, huyện. Các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ là thế mạnh của quận, năm nay tăng trưởng 19,7%.
Chợ đêm Ðồng Xuân cùng tuyến phố đi bộ Hàng Ðào - Ðồng Xuân tạo thêm một nét hấp dẫn của văn hóa chợ. Với định hướng phát triển dịch vụ - du lịch - thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, quận triển khai quy hoạch đầu tư, cải tạo mạng lưới chợ và chuyển đổi mô hình, giao cho các doanh nghiệp quản lý chợ. Dự án cải tạo chợ Cửa Nam với số vốn gần 100 tỷ đồng, dự án cải tạo chợ 19-12 với số vốn hơn 200 tỷ đồng, dự án cải tạo chợ Hàng Da với số vốn hơn 100 tỷ đồng đang được triển khai bằng phương thức xã hội hóa. Ðề án xây dựng hai tuyến phố chuyên doanh tơ lụa Hàng Gai và đông nam dược Lãn Ông đã hoàn thành giai đoạn 1.
Quận đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn và dần hình thành nếp kinh doanh văn minh thương nghiệp với 55 tuyến phố văn minh đô thị. Công tác quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch dần đi vào nền nếp. Tỷ lệ công trình xây dựng có phép gần 82%, ở khu phố cổ gần 87%.
Hoàn Kiếm tự hào có khu phố cổ, là di sản kiến trúc, văn hóa của thủ đô. Nơi đây có 170 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và kháng chiến được nhân dân đóng góp hàng chục tỷ đồng tu bổ, tôn tạo. Thành phố có chương trình bảo tồn, tôn tạo và cải tạo phố cổ theo hướng giữ gìn phong cách toàn bộ khu phố cổ đồng thời đáp ứng yêu cầu về môi trường sống của đô thị hiện đại, cải tạo thí điểm từng ô phố, từng ngôi nhà cổ theo quy hoạch. Dự án thí điểm cải tạo ô phố Hàng Bạc - Mã Mây - Lương Ngọc Quyến - Tạ Hiện đang được các cơ quan thẩm định để triển khai trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Công Khôi cho biết: Hướng tới xây dựng quận Hoàn Kiếm trở nên vững mạnh, thành một điểm sáng của thủ đô, Ðảng bộ quận Hoàn Kiếm khóa 23 đã xây dựng và thực hiện các chương trình công tác lớn với mục tiêu ổn định và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng kinh tế theo yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời tạo sắc thái văn hóa riêng. Phát triển hoạt động thương mại, dịch vụ và du lịch phải gắn với xây dựng và quản lý đô thị, bảo tồn và tôn tạo khu phố cổ, phù hợp vị thế của quận.
Trong hoạt động của chính quyền, quận tập trung công tác cải cách hành chính, đổi mới, chấn chỉnh phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Quận hoàn thành đề án áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000:2000 về quản lý hành chính nhà nước, triển khai phần mềm gửi và nhận văn bản qua hệ thống mạng diện rộng, lập đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận và giải quyết nhanh các phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp. Ðó là những biểu hiện sinh động, tiếp nối truyền thống Liên khu I Anh hùng.
Theo ND