Phát huy hiệu quả các phòng thí nghiệm

Công nghệ - Ngày đăng : 07:21, 19/11/2022

(HNM) - Do nguồn lực còn hạn hẹp, nên hiện nay nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ ở nước ta gặp khó khăn trong việc mua sắm, trang bị các thiết bị phòng thí nghiệm. Trong bối cảnh đó, để phát huy hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm, tránh xảy ra chuyện đầu tư trùng lặp hoặc “đắp chiếu thiết bị”, thì việc chia sẻ hệ thống cơ sở vật chất nghiên cứu khoa học cần được quan tâm.

Sinh viên Khoa Dược (Trường Đại học Phenikaa) thực hành thí nghiệm bào chế dược liệu.

Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, rất nhiều trường đại học, viện nghiên cứu ở Việt Nam gặp khó khăn trong việc mua sắm, trang bị các thiết bị phòng thí nghiệm, bởi giá thành rất cao. Để giải quyết phần nào khó khăn này, ngày 7-9-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 850/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm". Các phòng thí nghiệm được đầu tư hoạt động theo phương thức mở, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị. Theo đó, 16 phòng thí nghiệm trọng điểm đã ra đời, chủ yếu đặt tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) cho rằng, mô hình này giúp giải quyết một trong những vấn đề cấp thiết trong nghiên cứu khoa học của Việt Nam hiện nay, đặc biệt là nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực.

Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư Nguyễn Thục Quyên (Trường Đại học California) cho rằng, việc chia sẻ hệ thống cơ sở vật chất, giúp tránh được sự trùng lặp trong mua sắm thiết bị; sử dụng được tối đa không gian nghiên cứu, tiết kiệm năng lượng, đồng thời tạo điều kiện cho nhà khoa học sử dụng kinh phí để theo đuổi chiến lược nghiên cứu, thay vì dùng kinh phí đó để mua sắm thiết bị...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết, Trường có tư duy “open lab”, tức là mở phòng thí nghiệm tối đa, công khai lịch sử dụng thiết bị lên ứng dụng để các nhà nghiên cứu từ nơi khác có nhu cầu sử dụng có thể theo dõi, đặt lịch làm việc. Trường Đại học Phenikaa cũng có nguyên tắc, đó là không mua thiết bị hai lần. Trong quá trình sử dụng thiết bị phòng thí nghiệm, để bảo đảm duy trì máy móc, những ngành tương đối gần nhau như hóa học, khoa học vật liệu bao giờ cũng có trao đổi và giao cho một đơn vị làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý thiết bị.

Trên thực tế, ở nhiều cơ sở nghiên cứu đặt trong các trường, viện từ lâu đã xuất hiện tình trạng “cát cứ”, nghĩa là thiết bị được đơn vị chủ quản chi tiền mua sắm chỉ để phục vụ nhu cầu nghiên cứu của đơn vị sở hữu. Các nhà khoa học bên ngoài rất khó có thể tham gia sử dụng. Chính vì vậy, các trường, viện vẫn xin đầu tư các phòng thí nghiệm chuyên đề riêng, dẫn đến bị trùng lặp, lãng phí nguồn lực.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật (Trung tâm Nano và Năng lượng, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), dù có nhiều thay đổi trong tư duy đầu tư cho khoa học, song vẫn tồn tại một số bất cập. Đó là đầu tư mua trang thiết bị, nhưng không có kinh phí duy trì hoạt động của thiết bị (running cost). “Chúng tôi rất muốn mở cửa để các nhà nghiên cứu khác có thể đến, nhưng sử dụng nhiều thì lại không có chi phí sửa chữa, trả tiền điện…”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Thuật chia sẻ.

Hiện tại, mỗi năm các phòng thí nghiệm trọng điểm đều nhận khoản đầu tư cho hoạt động chi thường xuyên, song chưa đủ để thay thế linh kiện hay sửa chữa máy móc đắt tiền, nhất là đối với các phòng thí nghiệm trọng điểm. Do đó, một số thiết bị có vốn đầu tư lớn, song cũng phải tạm dừng hoạt động, do thiếu kinh phí sửa chữa. Rõ ràng, việc đầu tư cho các phòng thí nghiệm chưa đi kèm với những quy chế, hoặc nếu có thì chưa sát với bản chất khoa học, để khai thác hiệu quả.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Trường Đại học Phenikaa đã giải quyết được một vấn đề mà các đơn vị công chưa làm được. “Máy móc đã dùng thì phải hỏng hóc, nếu hỏng nặng thì nhà trường sẽ hỗ trợ trả chi phí đó, còn kinh phí duy trì hoạt động thì có thể có hỗ trợ cho từng lĩnh vực. Làm như vậy nhà khoa học mới an tâm khai thác thiết bị và có cách tối ưu hiệu quả sử dụng thiết bị”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Khánh nói.

Về lâu dài, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho rằng, những khó khăn và bất cập của hệ thống phòng thí nghiệm hiện nay, rất cần được các cơ quan chức năng quan tâm, tháo gỡ.

Thu Hằng