Năm 2023, trình Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế các loại sản phẩm, bao bì
Tài chính - Ngày đăng : 12:58, 15/12/2022
Hội thảo có sự tham gia của các đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp tái chế, xử lý chất thải và một số các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu.
Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 của Chính phủ quy định, nhà sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì đó theo tỷ lệ tái chế bắt buộc và quy cách tái chế theo lộ trình.
Theo đó, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì sẽ được nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm gồm pin ắc quy, săm lốp, dầu nhớt và bao bì (bao bì thương phẩm của thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, chất tẩy rửa, xi măng thương phẩm) thực hiện từ ngày 1-1-2024; nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm điện, điện tử sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1-1-2025; các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm phương tiện giao thông sẽ thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1-1-2027.
Nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong hai hình thức tái chế, đó là tự tổ chức tái chế hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì. Trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu chọn đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì thì số tiền đóng góp theo từng loại sản phẩm, bao bì theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Tuấn Hùng cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ soạn thảo để khảo sát và xây dựng định mức chi phí tái chế đối với các loại sản phẩm, bao bì (Fs). Theo kế hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2023 để kịp thời triển khai từ ngày 1-1-2024.
Theo ông Phan Tuấn Hùng, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các quốc gia sẽ có Fs khác nhau do chi phí lao động, công nghệ, thu gom… khác nhau. Fs cần phải được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý bao gồm phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải. Tuy nhiên, việc đề xuất Fs cho các loại sản phẩm, bao bì phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và cần có sự đồng thuận bởi các bên có liên quan.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Ko Jae Young, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc chia sẻ, việc đề xuất Fs nên được thực hiện bởi các tổ chức tư vấn độc lập trên cơ sở khảo sát chi phí tái chế thực tế tại Việt Nam. Đặc biệt, khi xác định Fs cần có sự phân biệt giữa sản phẩm, bao bì dễ tái chế với sản phẩm, bao bì khó tái chế.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây là hội thảo khởi động cho quá trình xây dựng, tham vấn đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế đối với các loại sản phẩm, bao bì (Fs).