Đêm ấy chúng tôi ở vườn hoa Cửa Nam

Xã hội - Ngày đăng : 08:41, 10/12/2006

Sau những lần tham gia tuyên truyền, mít tinh, biểu tình và cướp chính quyền trong ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945, tôi chính thức trở thành một chiến sĩ Tuyên truyền giải phóng quân của Thủ đô. Tôi được giao làm liên lạc nên thường có mặt ở khắp các ngõ ngách trong thành phố.

Nút giao thông bên vườn hoa Cửa Nam hôm nay.Ảnh: Nguyễn Đăng

Sau những lần tham gia tuyên truyền, mít tinh, biểu tình và cướp chính quyền trong ngày Tổng khởi nghĩa 19-8-1945, tôi chính thức trở thành một chiến sĩ Tuyên truyền giải phóng quân của Thủ đô. Tôi được giao làm liên lạc nên thường có mặt ở khắp các ngõ ngách trong thành phố. Tháng 12-1946, cả Hà Nội bao trùm một bầu không khí khác thường, như sắp có giông bão lớn.

Chiều 19-12, tình hình đã sôi sục đến tột đỉnh. Một số tự vệ không biết từ đâu được bổ sung về đình làng Linh Quang, gặp nhau chỉ kịp hỏi tên, nhưng trông đều có vẻ lớn tuổi hơn tôi. Anh là thợ, anh buôn bán nhỏ, cả mấy anh từng là công chức cho Pháp vừa xung phong vào tự vệ mấy ngày nay. Đến gần tối, anh Tài gọi tôi, anh Bảy, anh Hoàng, anh Thư, anh Tích, anh Hoài, anh Sáu, anh Hùng tập hợp thành một tiểu đội 9 người do anh Tài chỉ huy lên tăng cường cho chốt vườn hoa Cửa Nam. Trời nhập nhoạng tối, phố sá vắng vẻ, không bóng người qua lại, đâu đó còn thấp thoáng một vài ngọn đèn yếu ớt. Các nhà có chủ cũng như vô chủ đều cửa đóng then cài. Từ nhiều hướng, tiếng súng nổ mỗi lúc lại rộ lên, ngưng rồi lại rộ lên...

Tới nơi thì màn đêm đã bao trùm cả thành phố. Cả tổ nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí là các ụ cát chưa có người sát với vỉa hè. Anh Tài chia tiểu đội thành 2 tổ. Tổ anh Thư, anh Tích và anh Hoàng ôm bom ba càng nằm ở các ụ cát phía trước để chặn xe tăng địch từ phía trong thành và phía đông tới. Số còn lại lợi dụng rãnh vỉa hè và các ụ cát ngay phía sau chừng hơn 10 mét để yểm trợ cho tổ cầm bom ba càng và chặn bộ binh, xe cam-nhông, vũ khí chỉ có lựu đạn, mã tấu, vôi bột đóng gói, chai xăng.

Chừng 8 giờ tối, đèn bỗng phụt tắt. Cả thành phố chìm hẳn trong màn đêm. Tiếng súng, tiếng đại bác nổ rền vang. Đường đạn lóe sáng đan chéo khắp bầu trời, những ánh chớp như xé rách màn đêm. Phía trước mặt nổi lên tiếng động cơ. Xe tăng đen chũi nghiến đường rầm rầm tiến đến. Đạn từ phía quân Pháp bay vút trên đầu, nổ chát chúa trên những bức tường gạch, cày xới tung những ụ cát. Tôi nằm sát bên anh Tài. Một cảm giác khó diễn đạt thành lời, hồi hộp, xen lẫn sợ hãi chế ngự khiến tôi như quên không thở, toàn thân run bắn không chỉ vì trời rét. Khi chiếc xe đi đầu tiến đến gần ụ cát cách chỗ tôi nằm chừng 10 mét, nơi anh Thư, anh Tích, anh Hoàng chiếm giữ, tôi thấy bóng một anh vùng đứng dậy cầm bom ba càng lao lên. Chớp lửa lóe sáng cùng tiếng nổ vang trời. Trong khói lửa mịt mù, tôi nghe rõ tiếng lính Pháp la hét hoảng loạn. Cùng lúc đó, theo lệnh anh Tài, từ phía dưới chúng tôi tới tấp ném lựu đạn, vôi bột vào đám lính vừa nhảy từ mấy chiếc cam-nhông xuống. Chúng lùi, cụm lại phía sau và bắn lên như mưa. Sau ít phút định thần, từ phía chúng, tiếng hò hét, chắc là của mấy tên chỉ huy, lại gầm lên, đốc thúc quân lính tiến lên. Mấy chiếc xe tăng đi đầu lại tiến chậm chạp, thận trọng hơn. Hỏa lực dội về phía chúng tôi cũng dày đặc, tập trung hơn. Khi hai chiếc xe tăng vừa đến sát ụ cát phía trên, bóng một anh, rồi hai anh tay lăm lăm bom ba càng vòng ra bên cạnh, đâm thẳng vào sườn chúng. Tôi thấy bóng các anh hòa vào ánh chớp chói lòa trùm lên xe tăng địch. Từ phía sau, anh Tài hô anh em xông lên người thì ném lựu đạn, vôi bột vào đội hình Pháp, người ném chai xăng vào những chiếc xe tăng đang cháy và những chiếc xe cam-nhông, xe jeep phía sau. Anh em vừa tấn công, vừa nhặt súng đạn địch bỏ lại. Tôi cũng thu được một khẩu súng trường nhưng không lấy được đạn, đành phải quay lại dùng lựu đạn, vôi bột, chai xăng.

Lực lượng vũ trang Thủ đô trong tư thế sẵn sàng chiến đấu (tháng 12-1946).

Sau những phút hoảng loạn, quân Pháp tập trung bắn lại dữ dội và tổ chức đội hình tiếp tục tiến về phía ta. Tiểu đội tôi đã không còn nguyên vẹn. Anh Thư, anh Tích, anh Hoàng chắc đã hy sinh, số còn lại thì bị thương, anh thì di chuyển nhập lẫn vào đơn vị khác. Nhiều ụ cát đã bị quân Pháp ủi phá. Cuộc chiến đấu càng về khuya càng ác liệt. Tôi thực sự bối rối, lo sợ khi bị mất liên lạc. May sao, từ các phía Hàng Bông Lờ (Hàng Bông), Đường Măng (Phùng Hưng), Tràng Thi, Hàng Bông Thợ Nhuộm (Thợ Nhuộm), Hàng Lọng (Lê Duẩn), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học)... lực lượng ta về tăng cường khá đông. Thế là tôi nhập luôn cùng các anh chiến đấu. Từ đó cho đến khuya, hết đợt này đến đợt khác xe tăng và bộ binh của quân Pháp định tràn qua nhưng đều bị chặn lại. Khu vực vườn hoa Cửa Nam cho đến lúc ấy vẫn thuộc quyền kiểm soát của quân ta.

Chiến công của chúng tôi, nếu có thể gọi thế và sự hy sinh quả cảm của các anh, đã góp phần cầm chân quân giặc trong 60 ngày đêm lịch sử. Hòa bình lập lại, tôi và anh Tài, anh Bảy và anh Sáu có dịp là lại đến vườn hoa Cửa Nam, cắm nén nhang lên nền cỏ, tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh tại đây trong đêm 19-12. Họ là những người con của Hà Nội, ra đi không để lại một nấm mồ, thân xác đã hòa vào vũ trụ, cùng hồn thiêng sông núi, cho Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội trường tồn.

Lương Đình Thọ (Nguyên chiến sĩ Tuyên truyền giải phóng quân Thủ đô kể)

N.S.N ghi

 - - - - - - - - - - -

Nhân dịp cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” đi được nửa chặng đường, báo Hànộimới, NXB Hà Nội phối hợp ra ấn phẩm “Hà Nội những năm tháng đổi mới”, in lại những tác phẩm tiêu biểu nhất, trong đó có một số bài được giải qua từng năm, giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2005 của cuộc thi.

Mời các tác giả có tác phẩm in trong sách trên đến phòng tài vụ báo Hànộimới nhận sách biếu và nhuận bút.

BTC

Thư điện tử gửi bài tham dự cuộc thi viết “Cả nước cùng Thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” xin gửi tới địa chỉ thi1000năm@hanoimoi.com.vn. Phông chữ VnArial.

ANHTHU